Khẩn trương phòng trừ tuyến trùng gây hại dâu tằm
Những năm gần đây, việc trồng dâu nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều diện tích dâu tằm đang bị bệnh tuyến trùng gây hại mạnh và có xu hướng lây lan trên diện rộng, chủ yếu tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà và Cát Tiên.

Bệnh tuyến trùng bùng phát mạnh ở nhiều nơi khiến người trồng dâu lo lắng
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 9.500 ha trồng dâu tằm, chiếm khoảng 80% diện tích dâu cả nước. Sản lượng lá dâu đạt 195.000 tấn/năm, sản lượng kén đạt khoảng 13.105 tấn/năm, sản lượng tơ đạt 1.500 tấn/năm và có khoảng 15.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 60 tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm và 5 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nghề trồng dâu, nuôi tằm tập trung tại một số địa phương như: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Từ cuối năm 2019, bệnh tuyến trùng hại dâu tằm đã bắt đầu bùng phát tại huyện Đạ Huoai, với diện tích gây hại ban đầu khoảng 12 ha. Trong các năm 2020 - 2021, bệnh đã lan rộng và gây hại trên diện tích 425 ha tại huyện Đạ Huoai, lan rộng sang huyện Đạ Tẻh. Và đến thời điểm hiện tại, bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm đã lan rộng trên diện tích lên đến 700 ha, chủ yếu tại các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Cát Tiên; trong đó, có 129,7 ha nhiễm nặng.
Ghi nhận tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, trong số 370 ha dâu tằm thì đã có trên 200 ha bị ảnh hưởng bởi tuyến trùng rễ. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, thôn Yên Hòa, xã Mỹ Đức cho biết, gia đình ông hiện có hơn 1 sào trồng dâu, mỗi lứa gia đình nuôi nửa hộp giống tằm. Nhờ việc trồng dâu, nuôi tằm, gia đình có thêm thu nhập, đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích trồng dâu của gia đình bị nhiễm tuyến trùng, cây dâu cứ còi cọc, lá bị cháy và rụng, cây nhiễm nặng bị rụng hết lá và chết. Hiện tại, tình trạng nhiễm bệnh trên diện tích dâu tằm của gia đình ngày càng trầm trọng hơn, khiến ông rất lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, trên địa bàn đã có hơn 245 ha dâu bị tuyến trùng gây hại; trong đó hơn 83 ha nhiễm nặng và đang bị chết. Trong số diện tích dâu tằm bị chết do tuyến trùng gây hại đã có hơn 5 ha không thể phục hồi.
Để phòng, chống bệnh tuyến trùng rễ lây lan trên diện rộng, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã tiến hành phun, xịt các loại thuốc liên quan để ngăn ngừa. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện để bà con nắm rõ cách chăm sóc cây khỏe mạnh và kịp thời phát hiện khi dâu tằm có biểu hiện mắc bệnh. Bên cạnh đó, đối với các diện tích dâu tằm nhiễm bệnh, UBND xã vận động bà con nông dân cải tạo đất, vun xới, cày cuốc để luân canh trồng các loại cây trồng tạm thời, không phải là ký chủ của bệnh tuyến trùng như bắp, đậu… một vài vụ, sau đó quay trở lại trồng dâu tằm.
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả phân tích, giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xác định loài tuyến trùng gây hại trên dâu tằm là Meloidogyne sp. Đây là loài tuyến trùng nội ký sinh thường chui vào trong rễ, nằm bên trong và chích hút các tế bào trong rễ cây, tạo ra các nốt sần trên rễ. Tuyến trùng gây hại làm tổn thương bộ rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm trong đất phát triển, ức chế quá trình hút nước và chất dinh dưỡng của cây, gây thối rễ, vàng lá và chết.
Để chủ động phòng, chống, hạn chế bệnh tuyến trùng lây lan trên diện rộng, đối với các diện tích nhiễm nặng (trên 30% số cây bị bệnh) bà con nông dân cần thực hiện tốt biện pháp luân canh, chuyển đổi sang các cây trồng khác như bắp, mè, lạc, đậu từ 2 - 3 vụ trước khi trồng lại cây dâu tằm. Khi trồng lại dâu tằm, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, xử lý đất để phòng trừ tuyến trùng, sử dụng cây giống sạch bệnh theo quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh tuyến trùng hại dâu tằm đã hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV .
Còn đối với các diện tích nhiễm nhẹ, trung bình (dưới 30% cây bị bệnh), nông dân cần nhổ bỏ các cây bị hại nặng, thu gom toàn bộ rễ cây bị bệnh đưa ra khỏi khu vực trồng để tiêu hủy. Tiến hành rải vôi vào các gốc đã nhổ bỏ kết hợp sử dụng các loại thuốc BVTV đã được khuyến cáo phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm như để phòng trừ, xử lý 2 lần cách nhau 15 ngày.
Thời điểm xử lý thuốc trừ tuyến trùng tốt nhất là ngay sau khi kết thúc thu hoạch lá hoặc sau cắt cành (bắt đầu lứa dâu mới) để không ảnh hưởng đến tằm.
Ngoài ra bổ sung chế phẩm kích thích ra rễ, phân hữu cơ kết hợp bón đầy đủ phân đa lượng NPK, đặc biệt là phân lân để phục hồi và phát triển bộ rễ cây.