Khẩn trương rà soát các chính sách pháp luật, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tại hội thảo 'Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai : Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công' do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 23/8.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai và tình trạng lãng phí, vi phạm trong sử dụng đất công luôn được người dân quan tâm, các cấp, ngành coi trọng, chỉ đạo sát sao. Đã có nhiều văn bản đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm, nhiều trường hợp bị xử lý hình sự, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho xã hội.

Trong bối cảnh triển khai thi hành Luật Đất đai mới 2024 và căn cứ nhu cầu thực tiễn cần rà soát, tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công, Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai : Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện, chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học pháp lý , phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, trên thực tế, việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan, chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các trường hợp này. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi; tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước vẫn còn chậm trễ, vướng mắc, tồn tại bất cập… Nhiều công trình, dự án thuộc diện điều tra, thanh tra, kiểm tra đã qua nhiều năm nhưng đất đai, công trình chưa được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho địa phương nơi có công trình, dự án nói chung. Việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước. Tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước của các Bộ, ngành địa phương đạt thấp. Nhiều vấn đề để kéo dài nhiều năm chưa thực hiện.

Ông Quyền chỉ rõ, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khác nhau vì vậy cần khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách pháp luật liên quan, nhất là những cơ chế chính sách trước đã tạo kẽ hở khó thực hiện, khó quy trách nhiệm khi để ra sai phạm, trên cơ sở đó mới phân loại, truy rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân tổ chức có liên quan để xử lý tận gốc rễ vấn đề.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề xuất, khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là các nghị định hiện hành liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gắn liền với quy định rõ quyền và trách nhiệm (bao gồm cả chế tài) của các cơ quan, người có thẩm quyền để đẩy nhanh quá trình CPH DNNN trong thời gian tới.

Theo thạc sĩ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường đào tạo Kiểm sát tại TPHCM cho rằng vì chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, các chủ thể thực thi công vụ trong lĩnh vực trên đã bất chấp pháp luật để làm những việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự quản lý của Nhà nước về đất đai, gây ra thất thoát, thiệt hại rất lớn đối với nguồn tài nguyên quí giá của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới trong đó có quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Luật mới hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai; bổ sung quy định về trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Luật mới cũng định rõ ràng hơn về việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Được biết, trên cơ sở những ý kiến thảo luận và tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tham dự tại Hội thảo, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp và kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan, ban ngành Trung ương để sớm có những giải pháp cấp bách và lâu dài để hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công. Đồng thời cũng là nguồn để các cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để tham khảo, tổ chức thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực Nhà nước.

Trần Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khan-truong-ra-soat-cac-chinh-sach-phap-luat-chong-lang-phi-va-vi-pham-trong-su-dung-dat-cong-10288613.html