Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế để xử lý những vướng mắc gây lãng phí
Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban; đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng phòng, chống lãng phí và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây… Những công việc đã và đang làm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động…
Theo Thủ tướng, những hạn chế trên là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đã đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài để sớm giải quyết dứt điểm, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành mình phụ trách, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và trao đổi, thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các Ban chỉ đạo đã thành lập song hành với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Chia sẻ trăn trở khi chứng kiến nhiều dự án dở dang kéo dài ở nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu nhìn thẳng vào sự thật, tập trung thảo luận đánh giá đúng tình hình, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí tại tất cả các ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Phát biểu ý kiến kết luận Phiên họp, đánh giá về kết quả đạt được của công tác phòng, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta rất tích cực thực hiện công việc này với trách nhiệm cao trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất, nhất là kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về thể chế, tiếp tục rà soát để đề xuất Quốc hội sửa một loạt luật liên quan lĩnh vực ngân sách, đấu thầu, tài sản công, quy hoạch…
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-CP để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo; các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị. Vừa qua Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để chính thức ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15, qua đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện phương châm: phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Phòng, chống lãng phí không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài, làm cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh giản bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền. Phòng, chống lãng phí gắn với sự phát triển đất nước, gắn với mục tiêu tăng trưởng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới. Phòng, chống lãng phí phải đi đôi với thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá về thể chế, hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan thể chế, các dự án lớn, huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thống nhất về nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay: Đúng tầm, đúng mức, đúng với điều kiện thực tiễn, từ đó tư tưởng mới thông, quyết tâm mới cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm trong thực hiện phòng, chống lãng phí. Việc này phải thể hiện qua các cam kết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể chứ không phải “chung chung”; phân công “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”. Tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để giải quyết các vướng mắc gây ra lãng phí; phải quyết tâm xử lý với tinh thần là phải đưa thực hành chống lãng phí trở thành ý thức tự giác, tự nguyện như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày. Tất cả các bộ, ngành, các cấp phải rà soát theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị; xây dựng chiến lược quốc gia về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, bổ sung năm 2025 các quy định về cơ chế, chính sách, quản lý kinh tế-xã hội, các định mức kinh tế kỹ thuật không phù hợp thực tiễn phát triển của đất nước; rà soát các chính sách liên quan tín dụng ngân hàng, khoáng sản, tài nguyên…; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải trực tiếp phụ trách vấn đề này. Rà soát các dự án lãng phí kéo dài và đề xuất các cơ chế, chính sách xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nhấn mạnh phải hệ thống lại, sơ kết, đánh giá, phân loại, trên cơ sở đó sẽ có những nhóm nhiệm vụ khác nhau, từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải rút kinh nghiệm, quán triệt, chấn chỉnh ngay việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sắp tới đây sẽ là Bộ Tài chính) cùng với Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, tổng hợp báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện. Rà soát các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực để cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đề cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân; thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành: theo đó, cần rà soát lại tài nguyên khoáng sản, đất đai, tài sản công, tài chính... Kỷ nguyên thông minh thì phải quản trị thông minh ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Để thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Thủ tướng cũng cho rằng, với các trường hợp đặc biệt, đặc thù thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, có không gian đổi mới sáng tạo cho người chịu trách nhiệm ra quyết định để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cao nhất, tránh công việc kéo dài, gây lãng phí.