Khẩn trương tạo thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi
Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara được coi là 'kiến trúc sư trưởng' cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận: 'Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán, về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng'(1). Tháng 11/1995, theo đề nghị của phía Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ông McNamara sang thăm Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với McNamara: 'Chúng tôi có một nền văn hóa vững bền, có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Vì vậy, chúng tôi đã thắng (2).

Sông Bến Hải (Quảng Trị), vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước ta ra hai miền Nam – Bắc, cả dân tộc phải chiến đấu với quân Mỹ để thống nhất nước nhà. Ảnh: Hải Luận
Phải có “cách đánh Mỹ”
“Giá phải trả” đánh thắng Mỹ rất đắt, vì Mỹ là một siêu cường kinh tế, quân sự, đổ hàng tỷ đô la Mỹ vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Nước ta nghèo, nhưng có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Chính vì vậy, dân và quân ta có “cách đánh Mỹ” mà trên thế giới chưa có nước nào làm được. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây dựng các đơn vị tình báo, quân sự... hoạt động ở miền Nam Việt Nam, thành lập đơn vị mở đường chi viện Trường Sơn, hình thành những sư đoàn chủ lực thiện chiến ở miền Bắc; đồng thời, gửi ra nước ngoài đào tạo những sĩ quan chỉ huy, kỹ sư, cử nhân... nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh Mỹ là “thiên biến vạn hóa”, bám vào thực tiễn địa hình, người dân ở các vùng dân cư để tiến công địch mọi lúc, mọi nơi. Quân địch có nhiều máy bay, xe tăng, binh lực cơ động mạnh, quân ta phải “chia nhỏ” ra đánh, phân tán lực lượng, tiêu diệt từng phần, từng mũi, buộc địch vào “thế đánh” của ta.
Bác Hồ có bài viết (đăng Báo Nhân dân, ngày 11/9/1963) về chiến tranh nhân dân: “Những đơn vị du kích "bị tiêu diệt" hôm trước thì vài hôm sau lại tuôn ra mạnh mẽ cách đó không xa đơn vị khác. Những đơn vị "bị bao vây và sắp bị tiêu diệt" thì ban đêm lại chuồn mất và sau đó ít ngày lại xảy ra đánh nhau ở một nơi khác... Cách đây một năm, quân du kích chỉ tập hợp những đơn vị nhỏ. Nay họ tập hợp những đơn vị to từ 600 đến 1.000 người. Việt cộng đã cải thiện rõ rệt, kho vũ khí của họ với những vũ khí cướp được của Mỹ tăng lên”.
Bài học, kinh nghiệm của dân và quân ta vừa chiến đấu, vừa phát triển ra khắp chiến trường miền Nam. Từ đội du kích được huấn luyện, trang bị vũ khí đơn giản ban đầu, thành lập thành đơn vị chủ lực cơ động, đủ sức đánh lớn trực diện vào quân tinh nhuệ Mỹ.
Năm 1972, Mỹ mở chiến dịch dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội và vùng phụ cận, tưởng rằng sẽ khuất phục ý chí, quyết tâm của dân và quân ta “đánh Mỹ đến cùng”. Nào ngờ, chỉ trong 12 ngày đêm bị quân ta bắn cháy 77 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ, trong đó có 33 chiếc máy bay B52. Uy thế không lực Hoa Kỳ sụp đổ, hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ cũng sụp đổ theo. Đoàn đàm phán Hiệp định Paris của nước ta với Mỹ quay trở lại nước Pháp ở “tư thế” chiến thắng, duy nhất trên thế giới chỉ có Việt Nam “đánh sập” chiến dịch pháo đài bay B52.
Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ
Từ năm 1973, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã bí mật thành lập Tổ nghiên cứu, soạn thảo Kế hoạch giải phóng miền Nam. Những điểm mấu chốt của bản kế hoạch mà các nhà quân sự của ta xây dựng: Thứ nhất, tạo thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi; thứ hai, đưa quân chính quy thiện chiến từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu; thứ ba, chọn “điểm huyệt” để tấn công mở màn, nhanh chóng làm thay đổi cục diện ở chiến trường...
Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp bàn về bản Kế hoạch giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất phát biểu: “Từ 30 năm nay, cuộc kháng chiến của ta đã đi vào một điểm của thời đại. Đánh cho Mỹ ra đã là vĩ đại. Nay hoàn thành được cách mạng dân tộc dân chủ, mở ra kỷ nguyên Việt Nam thì lại càng vĩ đại... Do sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược hồi phục, mạnh lên, thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo”(3).
Thực hiện quyết tâm chiến lược ấy, phải có kế lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Kết hợp quân sự, chính trị, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, đô thị, căng địch ra mà đánh, bao vây và tiêu diệt, với một đội quân chính trị rất mạnh, một đội quân quân sự rất mạnh. Quyết tâm là quân đội. Đây là lực lượng quyết định. Cần có kế hoạch xây dựng, tác chiến, rất cấp bách với tinh thần khẩn trương, quyết thắng.
Bộ Quốc phòng đã thiết kế cùng một lúc mở nhiều mặt trận: Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Trị Thiên, phía Nam giữ địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Kế sách này buộc địch phải điều động quân chủ lực ra hai đầu chiến tuyến ứng phó, tạo ra điểm “sơ hở” ở miền Trung và Tây Nguyên. Quân ta chọn đánh “đột phá khẩu” Buôn Ma Thuột, tạo ra rối loạn cả Tây Nguyên, tiến thẳng đánh chiếm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Toàn bộ tập đoàn quân sự của đối phương bị “bẻ gãy” làm đôi, tạo nên đột biến lớn ở chiến trường.
Mục tiêu quân ta đánh Buôn Ma Thuột, nhưng phải sử dụng công binh mở đường, đơn vị chủ lực “đánh nghi binh” ở Bắc Tây Nguyên, tình báo của Mỹ - ngụy cho rằng: “Việt cộng” sẽ mở hướng đánh chính vào Kon Tum - Gia Lai. Đối phương đã huy động quân lực lên đối phó phía Bắc, ta nổ súng tấn công dồn dập vào phía Nam. Mất Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên trở nên rối loạn, quân địch ở các chiến trường khác cũng vào thế “hoang mang”.
Đây là mưu lược chúng ta tạo thời cơ, khi thời cơ đã đến, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng huy động tổng lực toàn dân, toàn quân chớp thời cơ, hành động quyết đoán. Cùng một lúc tấn công dồn dập giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Các cánh quân chủ lực thần tốc, thần tốc hơn nữa, tiến công bao vây đô thành Sài Gòn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một điển hình thành công của học thuyết quân sự Việt Nam. Theo dõi sự phát triển cực kỳ mau lẹ của tình hình địch, ta trên chiến trường, Bộ thống soái tối cao đã có những quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam từ hai đến ba năm lúc đầu sang kế hoạch thời cơ, rút xuống một năm, rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giành được thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn.
"Một ngày bằng hai mươi năm"
"Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất... Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp" - Bí thư thứ nhất Lê Duẩn điện khẩn vào chiến trường, ngày 31/3/1975.
Hải Luận
---------------------------------------------------------
(1), (2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000, trang 365.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2000, trang 139 - 140.