Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):Nghệ thuật quân sự đặc sắc trong Chiến dịch Tây Nguyên

Ngày 24-3-1975, sau 20 ngày chiến đấu anh dũng, quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Chiến thắng này đã tạo thế, lực và thời cơ để quân ta mở các chiến dịch tiếp theo, hướng tới giải phóng Sài Gòn, đập tan sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Hòa Bình (thị xã Buôn Ma Thuột). Ảnh: Tư liệu

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Hòa Bình (thị xã Buôn Ma Thuột). Ảnh: Tư liệu

Chiến dịch Tây Nguyên là một đòn đánh chiến lược, điểm trúng “tử huyệt” của quân ngụy Sài Gòn. Chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch này đã để lại 5 giá trị nghệ thuật tác chiến đặc sắc và những bài học quý báu, đó là: Nghệ thuật nắm chắc, tận dụng tối đa thời cơ, chọn điểm đánh chiến lược; nghệ thuật nghi binh, lừa địch; nghệ thuật đánh trận then chốt; nghệ thuật kết hợp giữa “đánh điểm, diệt viện” và “đánh thần tốc” nhằm phá vỡ ý chí chiến đấu của địch bằng tốc độ tấn công vượt trội; nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp: Quân sự - chính trị - binh vận, tạo nên sức mạnh áp đảo toàn diện. Trong đó, nghệ thuật nắm chắc, tận dụng tối đa thời cơ, chọn điểm đánh chiến lược và nghi binh, lừa địch được xem là mấu chốt và đạt đến trình độ đặc sắc, tiêu biểu.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của cả ta và địch, được ví là nóc nhà của Đông Dương. Nếu chiếm và làm chủ được Tây Nguyên đồng nghĩa với việc làm chủ toàn bộ chiến trường Đông Dương. Tại đây, địch lợi dụng các phương tiện, vũ khí hiện đại do Mỹ viện trợ, đặc biệt là khả năng cơ động đường không mạnh mẽ và vượt trội để tạo nên ưu thế về sức mạnh và tính linh hoạt trong phòng thủ Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời cơ giải phóng Tây Nguyên đã xuất hiện, nhất là sau thắng lợi lớn của ta trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Chiến thắng này đã tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là “liều thuốc thử”, “đòn trinh sát chiến lược” đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, qua đó giúp Bộ Chính trị nhận định chính xác tình hình, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ra Nghị quyết đánh giá, chiến thắng Phước Long đã mở ra khả năng giành thắng lợi theo phương án dự kiến trong hai năm 1975 - 1976, đồng thời thể hiện quyết tâm kết thúc chiến tranh sớm nếu thời cơ đến. Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên - trọng điểm là vùng Nam Tây Nguyên - làm hướng tiến công chủ yếu, mở màn cho cuộc tổng tiến công chiến lược nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để bảo đảm cho Chiến dịch chắc thắng, ngày 5-2-1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tiến hành công tác chuẩn bị một cách hết sức kỹ lưỡng, chu đáo và quyết định chọn Buôn Ma Thuột, nơi đặt Tổng hành dinh của Quân đoàn II - Quân khu II ngụy Sài Gòn làm nơi đánh trận mở đầu. Đây là một quyết định táo bạo, bởi tại Buôn Ma Thuột, địch bố trí lực lượng phòng thủ rất mạnh, gồm Sư đoàn 23, nhiều đơn vị biệt động, bảo an, pháo binh, thiết giáp và không quân...

Nếu ta chiếm được Buôn Ma Thuột, sẽ phá vỡ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch, tạo ra thời cơ thuận lợi để nhanh chóng giải phóng toàn bộ Tây Nguyên. Đồng thời, chiến thắng này sẽ giúp ta chia cắt chiến trường miền Nam thành hai cụm lớn: Huế - Đà Nẵng ở phía bắc và Sài Gòn ở phía nam, từ đó tạo điều kiện phát triển thế tiến công xuống đồng bằng Khu 5 và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Để thực hiện quyết tâm chiến lược ấy, Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh đã tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên một lực lượng lớn gồm binh lực, vũ khí và trang bị kỹ thuật.

Khi phát hiện các đơn vị chủ lực của ta - đặc biệt là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 - đang hoạt động tại các tỉnh Bắc Tây Nguyên như Kon Tum và Gia Lai, địch nhận định ta sẽ mở đợt tiến công vào khu vực này. “Tương kế tựu kế”, ta chủ động xây dựng một kế hoạch nghi binh công phu, đánh lừa địch, khiến chúng tin rằng ta đang chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai, trong khi thực tế, toàn bộ lực lượng chủ lực như Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đã bí mật hành quân xuống Nam Tây Nguyên, chuẩn bị cho trận đánh then chốt vào Buôn Ma Thuột.

Thực hiện kế hoạch nghi binh, ta gấp rút triển khai hàng loạt hoạt động tại khu vực Bắc Tây Nguyên: Ngay từ đầu năm 1975, Trung đoàn 7 công binh (thuộc Đoàn 559) đã mở thông đường 220, nối đường 14 ở Bắc Võ Định với đường 19 gần đèo Mang Yang, vòng qua hướng đông bắc thị xã Kon Tum. Hai trận địa pháo binh giả với pháo 130mm được triển khai ở phía bắc Kon Tum (thực tế chỉ bố trí súng cối 120mm). Cùng lúc, một số trận địa giả được dựng lên, ta cũng tổ chức cho xe cơ giới, khí tài cơ động nghi binh để cố ý cho địch phát hiện. Các đơn vị thông tin giữ nguyên vị trí, liên tục phát đi các bức điện giả, báo cáo giả, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng dày đặc, tạo nên bức tranh “nóng” giả tạo trên toàn tuyến.

Để tăng thêm tính thuyết phục, Bộ chỉ huy Mặt trận khẩn trương điều Sư đoàn 968 (thiếu) từ Lào về Bắc Tây Nguyên, thay thế vị trí của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320, đồng thời tiếp quản và sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến của hai sư đoàn để lại. Ta còn cài người vào khu vực dân sự để phao tin rằng Quân giải phóng sắp mở đợt tiến công lớn vào Kon Tum và Pleiku. Dân chúng tại các vùng tự do cũng tham gia chiến dịch nghi binh, làm cờ, hoa, biểu ngữ chào mừng Kon Tum và Pleiku sắp được giải phóng.

Từ ngày 28-2 đến những ngày đầu tháng 3-1975, Sư đoàn 968 mở nhiều trận đánh nghi binh, chính thức mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Ta tổ chức tiến công vào thị xã Pleiku, sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, Đồn Tầm, Tây Thanh An; đồng thời cắt đứt Đường 14 nối Kon Tum - Pleiku... khiến địch ngày càng tin tưởng rằng chiến dịch tiến công lớn của ta đã bắt đầu ở Bắc Tây Nguyên. Trong khi đó, lực lượng chủ lực bí mật hành quân xuống phía nam được lệnh tuyệt đối không sử dụng hệ thống thông tin hiện đại, chỉ liên lạc bằng thông tin hữu tuyến hoặc thông tin “chạy chân”. Toàn bộ đội hình hành quân được ngụy trang kỹ lưỡng, ban ngày dừng lại trú quân trong rừng, ban đêm hành quân, đi đến đâu lập tức xóa dấu vết, ngụy trang đến đó.

Đầu tháng 2-1975, hơn 4 vạn quân thuộc 3 sư đoàn bộ binh cùng các binh chủng tăng - thiết giáp, pháo binh, cao xạ... đã tập kết an toàn tại khu vực phía đông Buôn Ma Thuột mà địch hoàn toàn không hay biết. Ta còn tăng cường thêm Sư đoàn 316, hành quân thần tốc bằng 500 xe ô tô từ Nghệ An vào chiến trường. Kế hoạch tác chiến được triển khai chặt chẽ: Sư đoàn 320 tập kết phía bắc Buôn Ma Thuột; Sư đoàn 10 triển khai phía tây, chuẩn bị đánh chiếm Đức Lập; Sư đoàn 316 tập kết tại khu vực Đăk Đoa.

Do chủ quan và bị đánh lừa bởi đòn nghi binh chiến lược, Tư lệnh Quân đoàn II của địch - Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã có một quyết định sai lầm: Điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại phía tây thị xã Pleiku, mặc dù trước đó đã phê chuẩn kế hoạch chuyển sư đoàn này về Buôn Ma Thuột. Đến cuối tháng 2, CIA tại Sài Gòn vẫn phán đoán mục tiêu tấn công chủ yếu của ta sẽ là Pleiku và Kon Tum.

Kế hoạch nghi binh của ta hoàn hảo tới mức, ngày 8 và 9-3-1975, khi ta nổ súng đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập, uy hiếp Buôn Ma Thuột mà tướng Phạm Văn Phú vẫn không đoán được ý đồ tác chiến của ta. Hai giờ sáng ngày 10-3-1975, cuộc tiến công của Quân giải phóng vào Buôn Ma Thuột bắt đầu, với các trận đột kích sâu của trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của Trung đoàn 53 ngụy.

Đúng 4h sáng ngày 10-3, khi xe tăng của Quân giải phóng tiến vào nội đô Buôn Ma Thuột, Đại tá Lê Khắc Hy, Tham mưu trưởng Quân khu II - Quân đoàn II ngụy vào phòng ngủ đánh thức Phạm Văn Phú, lúc đó Phú mới biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của ta. Nhưng tất cả đã quá muộn, Buôn Ma Thuột thất thủ ngay trong ngày 10-3-1975. Các đơn vị còn sống sót của quân đội ngụy Sài Gòn cố gắng chống cự chờ viện binh nhưng đến 11h ngày 11-3, các đơn vị của Sư đoàn 316 đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.

Chính việc nghi binh đạt đến nghệ thuật nên khi ta tổ chức trận đánh then chốt mở màn chiến dịch đã giành thắng lợi, đưa đến việc Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút bỏ địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-nghe-thuat-quan-su-dac-sac-trong-chien-dich-tay-nguyen-699794.html