Khẩn trương tìm nguồn cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Để có nguồn cát phục vụ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban QLDA Mỹ Thuận đã đề xuất thăm dò nguồn cát tại Sóc Trăng.
Liên quan đến việc tìm nguồn cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đã có đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thăm dò nguồn cát trên địa bàn tỉnh này.
Qua khảo sát và trao đổi với các đơn vị chức năng, năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng đã lập và quy hoạch khai thác cát lòng sông Hậu đến năm 2020.
Cụ thể, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo là 85 triệu m3, trữ lượng được phép thăm dò, khai thác đến 2020 là 45,7 triệu m3. Đã cấp phép khai thác là 7,9 triệu m3. Chưa cấp phép thăm dò, khai thác là 37,78 triệu m3.
Tuy nhiên, do nằm ở vị trí cuối nguồn nên khoáng sản (cát lòng sông) tại khu vực tỉnh Sóc Trăng có chất lượng xấu. Kết cấu thành phần có các lớp cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất. Do đó khó đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phục vụ công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vật liệu, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát các nguồn vật liệu hiện có trong khu vực (kể cả các mỏ cát cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu). Từ đó đánh giá trữ lượng, chất lượng và có giải pháp xử lý (nếu cần thiết) trước khi sử dụng.
Trường hợp kết quả khảo sát khả thi thì đây cũng là cơ hội để UBND tỉnh Sóc Trăng có thể xem xét áp dụng ngay cho dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh mà không cần phải khảo sát, đánh giá.
Về nguồn cát biển, tại Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn (hàng tỷ m3). Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận dự kiến sử dụng nguồn cát biển tại Sóc Trăng để nghiên cứu, thử nghiệm.
Ban QLDA Mỹ Thuận đề xuất tỉnh Sóc Trăng được khai thác khoảng 3.000m3 cát biển tại khu vực biển Sóc Trăng. Sau đó vận chuyển về vị trí khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi báo cáo Bộ GTVT.
Trước kiến nghị của Ban QLDA Mỹ Thuận, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng hiện có trữ lượng cát biển rất lớn. Và Sóc Trăng sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận, nếu được phép khai thác nguồn cát biển cần đánh giá kỹ tác động môi trường. Tránh ánh hưởng đến cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, giao các Sở, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận trong việc thực hiện các thủ tục kháo sát, thăm dò nguồn cát trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km. Điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang). Điểm cuối giao đường Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Trong đó, tuyến đi qua địa phận tỉnh An Giang có chiều dài hơn 56km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang hơn 37km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Thống kê sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha.
Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng cũng bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.