Khẳng định thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong Hiệp định Paris

Trong tháng 1-2023, từ cấp trung ương đến các địa phương, các đơn vị… khắp cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023). Nhân sự kiện quan trọng này của nước ta, các thế lực cơ hội, chống phá cách mạng đã đăng tải các bài viết, video clip… nhằm mục đích phủ nhận vai trò, ý nghĩa, thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam, đồng thời xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

* Các thế lực chống phá cố tình phủ nhận

Trang cá nhân S.L TV - TNTD có 100 ngàn người theo dõi cách đây không lâu đã đăng tải clip trên mạng xã hội dưới hình thức tổ chức “phỏng vấn nhân vật” được cho là “quan chức” của chế độ Sài Gòn với nội dung “bàn luận, trao đổi, nói về” Hiệp định Paris 1973.

Trong clip dài gần 30 phút, thu hút hơn 45,2 ngàn lượt người xem, 720 người thể hiện cảm xúc (đa phần là biểu tượng Like - thích), hơn 100 bình luận và 77 lượt chia sẻ, “người dẫn chương trình” đặt vấn đề một cách ảo tưởng: “Cho đến ngày nay, có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng chúng ta có thể “khơi lại” Hiệp định Paris năm 1975 để cứu vãn tình hình…”. Các đối tượng chống phá đồng thời cho rằng Hiệp định Paris được ký kết là do Mỹ “thay đổi chính sách”, “biến động chính trị”…, phủ nhận hoàn toàn vai trò, chiến thắng của cách mạng Việt Nam trong Hiệp định Paris.

Ngay từ lúc mở đầu, người xem có thể phát hiện ra “phông” kiến thức của đối tượng này khi thao thao bất tuyệt khơi gợi đề tài chống phá và phát biểu sai kiến thức khi cho rằng Hiệp định Paris được ký kết năm 1975 (trên thực tế là năm 1973).

Đặc biệt, có thể khẳng định rằng, Hiệp định Paris được ký kết là kết quả của quá trình đấu tranh của cách mạng Việt Nam suốt nhiều năm liền, trên nhiều phương diện như: quân sự, chính trị, ngoại giao…, chứ không đơn thuần là do Mỹ “thay đổi chính sách”, “biến động chính trị” như các đối tượng chống phá rêu rao trong clip.

* Hiệp định Paris - thắng lợi thuyết phục, vẻ vang của cách mạng Việt Nam

Tại Hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức, TS Trần Thị Kim Ninh, Trưởng khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực 2 nhấn mạnh: “Muốn buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, phải giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của chúng. Đó cũng là tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng Giêng năm 1968 (thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967) về mở một cuộc tổng công kích và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 nhằm giành thắng lợi quyết định. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc chúng phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh”.

Theo TS Trần Thị Kim Ninh, Hội nghị Paris có hai giai đoạn đàm phán. Giai đoạn 1 của cuộc đàm phán từ tháng 5-1968 đến tháng 10-1968 là cuộc đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ. Lập trường của hai bên Việt Nam và Mỹ ở giai đoạn này rất mâu thuẫn và xa cách nhau, làm cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn đàm phán tại hội nghị đến mức nhiều lúc gián đoạn thương lượng. Giai đoạn 2 của cuộc đàm phán diễn ra từ tháng 1-1969 đến tháng 1-1973 là giai đoạn họp 4 bên (mà thực chất là của hai bên: Việt Nam và Mỹ) và đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trước đó, với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định và có dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Với tinh thần bất khuất trong 12 ngày đêm đọ sức, quân - dân miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, đã bắn rơi 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, làm nên chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Thất bại ở chiến trường miền Nam, cộng với thất bại của lực lượng không quân chiến lược trên bầu trời Hà Nội buộc nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Ngày 27-1-1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

ThS Vương Bá Chương và ThS Vương Bá Thành, giảng viên Khoa Công tác Đảng - công tác chính trị, Trường đại học Nguyễn Huệ nhấn mạnh: “Thắng lợi của Hiệp định Paris là một thắng lợi về mặt ngoại giao nhưng cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Nếu không từng có chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình. Trong đó, thắng lợi ở trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12-1972 đã bẻ gãy hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán cũng như chấp nhận các đề nghị của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh quân sự vẫn là một mặt đấu tranh cơ bản và giữ vị trí ngày càng quan trọng. Việc kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, thì đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu trực tiếp quyết định trong tiến trình của cuộc kháng chiến. Đây là quy luật cơ bản trong chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược”.

* Củng cố các luận cứ bác bỏ luận điệu xuyên tạc lịch sử

TS Vũ Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Thông qua Hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới, Ban tổ chức mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham luận, trao đổi mang tính học thuật về ý nghĩa lịch sử to lớn của việc ký kết Hiệp định Paris và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới hiện nay. Hội thảo cũng là diễn đàn để chúng ta củng cố các luận cứ nhằm đấu tranh, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta…

Một trang mạng xã hội đăng tải clip chống phá cách mạng. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội

Một trang mạng xã hội đăng tải clip chống phá cách mạng. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà đề nghị, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn công tác đối ngoại, cần đề xuất, kiến nghị thêm những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ hội nghị, thi hành Hiệp định Paris và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam nói chung và nền ngoại giao Việt Nam nói riêng. Khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người dân Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Đồng chí Phạm Xuân Hà lưu ý, cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nhằm vạch trần các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202302/khang-dinh-thang-loi-ve-vang-cua-cach-mang-viet-nam-trong-hiep-dinh-paris-3155298/