Khẳng định thương hiệu với chỉ dẫn địa lý nông sản Yên Bái

Trong quá trình hội nhập kinh tế, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng gắn với đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đang là định hướng quan trọng để gia tăng giá trị và khẳng định thương hiệu. Điều này, đã được Yên Bái đặc biệt quan tâm, là tỉnh dẫn đầu cả nước về bảo hộ CDĐL.

Người dân vùng Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo hướng hữu cơ.

Người dân vùng Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo hướng hữu cơ.

Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, Yên Bái hiện có 10 sản phẩm được bảo hộ CDĐL. Đây đều là những sản phẩm có danh tiếng, chất lượng với những đặc tính đặc trưng do điều kiện địa lý mang lại, tạo được điểm đặc biệt so với những sản phẩm cùng loại nhưng không ở vị trí địa lý đó.

Bởi vậy, các sản phẩm này được nhận biết tốt hơn trên thị trường, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường và phát triển một cách nhanh chóng, dễ dàng. Tập trung vào khai thác lợi thế này, nhiều năm qua, tỉnh cùng người dân đã phát triển và sử dụng CDĐL không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

>> Yên Bái phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý

Năm 2020, sản phẩm ba ba gai thương phẩm của huyện Văn Chấn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL. Kể từ khi được bảo hộ về CDĐL, các cấp chính quyền cùng người chăn nuôi đã đẩy mạnh tuyên truyền về những đặc tính khoa học của sản phẩm ba ba gai thương phẩm địa phương với chỉ tiêu hàm lượng Lipid từ 0,5-1 g/100g thịt, thấp hơn so với ba ba gai nuôi ở các địa phương khác cùng hàm lượng protein, khoáng cao hơn.

Điều này, khiến thịt ba ba gai Văn Chấn ít mỡ, thịt chắc và có độ giòn. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhận diện tốt hơn trên thị trường. Từ manh mún, nhỏ lẻ, chăn nuôi ba ba gai đã lan tỏa thành một nghề truyền thống, thu hút nhiều người dân tham gia.

Xã Cát Thịnh là địa phương đi đầu trong phong trào nuôi ba ba gai với gần 300 hộ chăn nuôi thương phẩm và sinh sản; trong đó, khoảng 40% cho thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Đến nay, khách hàng khắp nơi đã biết đến sản phẩm ba ba gai của địa phương với nhiều đặc tính tốt nên không chỉ bán thương phẩm, ba ba giống cũng trở thành mặt hàng được tiêu thụ với số lượng hàng vạn con mỗi năm. Xã cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền cấp trên hoàn thành các thủ tục hành chính để ba ba gai có "giấy khai sinh”, có nguồn gốc rõ ràng để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới”.

Càng ngày, chính quyền các cấp cùng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân càng ý thức được vai trò và lợi ích kinh tế quan trọng của CDĐL; từ đó, có những hành động thiết thực để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giữ vững giá trị thương hiệu.

Chè Shan tuyết Phình Hồ được coi là một trong 10 vùng chè nguyên liệu ngon nhất Việt Nam, mang CDĐL "Phình Hồ” của huyện Trạm Tấu, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Canada, Mỹ, Đài Loan, Nga… Nhiều năm nay, huyện Trạm Tấu đã hỗ trợ người dân phục tráng và nhân rộng diện tích chè shan hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; tổ chức đánh dấu những cây đầu dòng bảo tồn nguồn gen quý.

Chị Giàng Thị Mẩy - người dân xã Phình Hồ chia sẻ: "Được tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, chúng tôi đã biết cách cải tạo và trồng mới cây chè Shan, dùng các chế phẩm sinh học để chống mối, mọt, nấm gây hại. Sản phẩm đạt chất lượng, giá thu mua cũng cao hơn trước. Hiện tại, với giá bán búp chè tươi là 25.000 đồng/kg, gia đình mình thu về hơn 100 triệu đồng/năm”.

Hiện nay, nhiều thương hiệu từ CDĐL của Yên Bái đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, xuất khẩu như: gạo nếp Tú Lệ, quế Văn Yên, chè Shan tuyết Phình Hồ, măng tre Bát Độ… Một số sản phẩm còn được bảo hộ CDĐL ở nước ngoài. Tất cả những thành quả đó, khẳng định hướng đi đúng khi xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với đăng ký bảo hộ CDĐL, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Để giữ vững được chất lượng, uy tín trên thị trường, các hoạt động liên quan đến bảo hộ CDĐL cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển sau bảo hộ, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/320226/khang-dinh-thuong-hieu-voi-chi-dan-dia-ly-nong-san-yen-bai.aspx