Khẳng định vai trò chủ côngtheo mô hình mới
Thời gian qua, hàng loạt vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước triệt phá, gây tiếng vang lớn và được người tiêu dùng cả nước ghi nhận. Việc lực lượng QLTT quyết liệt làm trong sạch thị trường nội địa một lần nữa khẳng định mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa làm được. Đồng thời, mô hình mới mở ra tầm nhìn mới đối với công tác kiểm tra thị trường.
Thời gian qua, hàng loạt vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước triệt phá, gây tiếng vang lớn và được người tiêu dùng cả nước ghi nhận. Việc lực lượng QLTT quyết liệt làm trong sạch thị trường nội địa một lần nữa khẳng định mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa làm được. Đồng thời, mô hình mới mở ra tầm nhìn mới đối với công tác kiểm tra thị trường.
Thay đổi để đáp ứng tình hình mới
Trước đây, mô hình tổ chức QLTT hoạt động theo cấu trúc ngang bao gồm các chi cục thuộc Sở Công thương. Mô hình này được duy trì hơn 60 năm đã góp phần ổn định thị trường nội địa. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Hành vi vi phạm không chỉ ở một địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng, thậm chí móc nối với nước ngoài nhằm buôn lậu, gian lận xuất xứ. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, thương mại điện tử, in-tơ-nét đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện kiểm tra và xử lý. Chính vì thế, cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ, chia cắt theo địa phương đã bộc lộ những giới hạn, không theo kịp nhu cầu quản lý trong tình hình mới.
Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường và sự quản lý cắt khúc theo địa bàn cho thấy, việc tổ chức, kiện toàn bộ máy lực lượng QLTT đã đến hồi cấp bách và cần thiết phải thay đổi. Nhận thấy những bất cập tồn tại trong mô hình cũ, với mong muốn xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, đáp ứng được nhu cầu tình hình mới, ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT. Theo đó, Tổng cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Công thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Với mô hình được thu gọn còn bốn vụ, một văn phòng, một cục nghiệp vụ, 63 cục QLTT địa phương. Ở cấp cục địa phương không còn cấp chi cục, mà chỉ còn các phòng, đội trực thuộc đã phần nào chứng tỏ sự ưu việt của mô hình mới. Sau khi được thành lập, Tổng cục QLTT đã trở thành ngành dọc duy nhất hiện nay không thành lập đơn vị sự nghiệp công lập. Các đội QLTT được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện. Tính đến nay, từ 681 đội QLTT khi mới tiếp nhận từ các địa phương, đã giảm 234 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 71 đội trong năm 2020 xuống còn 376 đội QLTT (giảm 45%) theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Tổng cục QLTT.
Chủ động phối hợp triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm
Ngay khi được thành lập, Tổng cục QLTT đã bắt tay vào khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ bị phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Với sức mạnh của mô hình thống nhất, Tổng cục QLTT đã tiến công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm, điển hình như: Xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10 nghìn m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai); kiểm tra, xử lý hai trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)... Những vụ việc này cho thấy lực lượng QLTT hoạt động theo mô hình mới đã từng bước khắc phục được điểm yếu - sự chia cắt theo địa bàn; tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời. Sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công thương, Tổng cục xuống các cục, đội QLTT làm nên thành công của những vụ đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.
Không chỉ quyết liệt chỉ đạo trong lực lượng, Tổng cục QLTT cũng đã chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, bộ, ngành để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường như: Bộ đội Biên phòng, Công an kinh tế, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tập đoàn Petrolimex… Bên cạnh đó, Tổng cục phối hợp Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước... trong xử lý nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm… Ở cấp địa phương, lực lượng QLTT quận, huyện đã phối hợp liên ngành trong kiểm tra khoáng sản; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm tra giá, chất lượng hàng hóa; kinh doanh hàng lậu, đồng thời công khai các kết quả điều tra, xử lý vụ án trọng điểm, tên địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, cố tình tái phạm nhiều lần nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Kết hợp giữa phối hợp dọc và phối hợp ngang mang lại hiệu quả rõ rệt trong triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt... Qua đó, triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn.
Ứng dụng công nghệ để tạo bước đột phá trong kiểm tra, kiểm soát
Đến nay, sau hai năm thực hiện có thể khẳng định mô hình mới đã mở ra tầm nhìn mới. Đó là một không gian mới mà người đứng đầu Tổng cục QLTT được quyền chủ động hơn, nhưng cũng chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện hơn trong thực thi chức trách. Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức “Đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả” như Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu.
Thời gian tới, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều mặt trái của thị trường… vì vậy, trong những diễn biến phức tạp trên thị trường, đòi hỏi phải có phương thức mới trong đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường. Nắm bắt thực tế này, bên cạnh hàng loạt vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay như tiếp tục kiện toàn bộ máy, nhân sự; bồi dưỡng năng lực công chức; theo dõi sát diễn biến thị trường… Tổng cục QLTT đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó như một “binh chủng” đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, lực lượng QLTT đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác QLTT, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 cục địa phương)...
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng… Hoạt động này đã góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao. Theo đại diện Tổng cục QLTT khẳng định: Các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng vừa giúp công chức lực lượng có thư viện tàng trữ dữ liệu phục vụ công tác lên kế hoạch, điều tra, phá án, vạch trần thủ đoạn của đối tượng vi phạm… qua đó giúp lãnh đạo Tổng cục, Cục ra quyết sách kịp thời cũng như huy động và tương tác với các lực lượng chức năng, với mọi người dân, doanh nghiệp tham gia vào mặt trận phòng, chống các hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật.
Sau hai năm hoạt động, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý gần 150 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019 và sáu tháng năm 2020, lực lượng QLTT chuyển cơ quan điều tra 176 vụ, đã khởi tố 23 vụ.