Khẳng định vai trò, vị thế của luật sư

Nghề được pháp luật quy định thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có hiệu quả nhất là luật sư. Theo đó, vai trò và vị thế của luật sư cũng ngày càng được nâng cao.

Luật sư Nguyễn Mạnh An tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo tại một phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Mạnh An tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo tại một phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Mạnh An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư An Toàn, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 tổ chức hành nghề luật sư (gồm 12 văn phòng và 4 công ty luật) với tổng số 56 luật sư. Những năm gần đây, số lượng vụ việc, vụ án có sự tham gia của luật sư ngày càng tăng. Điểm đáng lưu ý là luật sư không chỉ tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, bào chữa cho bị cáo trong các vụ án hình sự mà còn tham gia bảo vệ lợi ích trong các vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, người có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý không chỉ ở thành thị, mà còn mở rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, xa của tỉnh. Điều này cho thấy, luật sư ngày càng có vai trò, vị thế đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ttrong năm 2023, luật sư hoạt động trong các tổ chức hành nghề trên địa bàn tỉnh đã tham gia giải quyết xong gần 400 vụ việc tố tụng và tư vấn pháp luật. Để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hằng năm, đội ngũ luật sư tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng do Bộ Tư pháp tổ chức.

Trong quá trình hành nghề, luật sư thường xuyên liên hệ, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác quản lý luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, đảm bảo hoạt động đúng pháp luật, thực hiện đúng quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp...

Theo quy định của pháp luật, đối với những án nghiêm trọng, người bị buộc tội là bị can, bị cáo mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích cho họ.

Trường hợp thứ hai cần có sự bào chữa, bảo vệ của luật sư là những người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất, tâm thần mà không thể tự bào chữa hoặc là người dưới 18 tuổi. Do vậy, số lượng vụ án cần có sự tham gia bảo vệ, bào chữa của luật sư trên địa bàn tỉnh cũng khá lớn.

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), thông tin: Thời gian qua, số lượng vụ việc thuộc diện trợ giúp pháp lý có sự tham gia bào chữa, bảo vệ của luật sư chiếm khá lớn. Đơn cử năm 2023, Trung tâm thực hiện tổng số gần 1.170 vụ việc, tăng 464 vụ việc so với năm trước. Theo đó, Trung tâm đã cử trợ giúp viên và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong 886 vụ việc thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, tăng 296 vụ việc so với năm 2022; đại diện ngoài tố tụng 27 vụ việc.

Hiện nay, hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh còn gặp một số khó khăn, nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Ban Chủ nhiệm. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư tỉnh cũng mong muốn được tỉnh hỗ trợ kinh phí, phụ cấp cho Ban Chủ nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trực, phân công người tham gia tố tụng trong các vụ án (thuộc diện chỉ định) có luật sư tham gia từ giai đoạn đầu.

Khi được cử tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn đầu, các luật sư đã chủ động, tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể thấy, trong nhiều vụ việc, luật sư đã phát hiện ra những thiếu sót, làm sáng tỏ thêm sự thật khách quan, giúp tòa án xét xử đúng người, đúng tội, góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai. Hoạt động tố tụng của luật sư trong phiên tòa được bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng. Điều này góp phần quan trọng đối với cải cách tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202403/khang-dinh-vai-tro-vi-the-cua-luat-su-9572e02/