Khẳng định vị thế, làm tròn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Công đoàn TP Hà Nội trong nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã có nhiều sáng tạo khi triển khai nhiệm vụ và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Các cấp Công đoàn TP Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Từ đó, tạo được niềm tin, khẳng định được vị trí của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên công đoàn, người lao động.
Chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, nhiệm kỳ 2018-2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ), các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động trong tham mưu với cấp ủy, tích cực phối hợp với chính quyền chuyên môn sáng tạo trong triển khai thực hiện, đổi mới trong công tác chỉ đạo, chú trọng và đi sâu một số lĩnh vực hoạt động có đặc trưng riêng của Công đoàn Thủ đô.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra 15 chỉ tiêu, 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Đáng chú ý là đã tham mưu với Thành ủy, tham gia với UBND TP ban hành các chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân, công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Cùng với đó, thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại để lấy ý kiến của ĐV-NLĐ góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, Thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động... Qua đó khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ đoàn viên và người lao động.
Trong 5 năm qua, LĐLĐ TP và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm với số tiền 16,37 tỷ đồng; Phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác An toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, góp phần làm tốt hơn công tác An toàn vệ sinh lao động và giảm thiểu tình hình tai nạn lao động. Qua kiểm tra, giám sát đã có hơn 12 nghìn kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động, đồng thời có 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở...
Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, sẽ diễn ra trong 2 ngày 16-17/10/2023, với sự tham gia của 550 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và niềm tin của hơn 664 nghìn đoàn viên Công đoàn Thủ đô.
Đại hội sẽ thảo luận, thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP nhiệm kỳ 2018 - 2023; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028; bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và bầu đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đề xuất, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy và UBND TP Hà Nội về những vấn đề có liên quan đến nâng cao hiệu quả chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn…
Chăm lo thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin với NLĐ
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV-NLĐ với nội dung và hình thức đa dạng hơn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế. Đối tượng chăm lo không chỉ là ĐV-NLĐ gặp khó khăn mà đồng thời quan tâm chăm lo cả người lao động có thành tích cao trong lao động, sản xuất, cán bộ công đoàn tiêu biểu để khích lệ tinh thần vươn lên và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Giai đoạn 2018-2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn Thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt ĐV-NLĐ với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng thông qua các hoạt động tổ chức cho ĐV-NLĐ đón “Tết sum vầy” qua những “Chuyến xe 0 đồng”, những phiên “Chợ tết công đoàn”. Đồng thời, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho ĐV-NLĐ; hỗ trợ vốn cho NLĐ phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm, thiếu việc làm trong và sau dịch Covid-19...
"Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023 khẳng định tinh thần vượt khó - sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động. Vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn đang ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trong 5 năm qua" - Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh khẳng định.
Cần tập trung vào giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam Phạm Thị Bích Hải nhận định, nhiệm kỳ 2018-2023 rất đặc biệt bởi đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động. Trong tình hình đó, các cấp công đoàn đã có hành động hỗ trợ thiết thực cho người lao động và cho doanh nghiệp. Ở nhiệm kỳ 2023-2028 này dù dịch Covid-19 đã đi qua nhưng việc ảnh hưởng do giảm đơn hàng, giảm năng suất đang rất mạnh mẽ từ cuối năm 2022 đến nay. "Chúng tôi mong muốn Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung vào vấn đề thu nhập của người lao động trong thời kỳ đơn hàng giảm, sản xuất xuất và đưa ra giải pháp làm sao để giải quyết việc làm, ổn định việc làm cho người lao động".
Và điều quan trọng để đạt được những mục tiêu trên thì mong muốn lớn nhất chính là Đại hội sẽ lựa chọn, bầu được những người có có đủ tài và đức để lãnh đạo, định hướng cho hoạt động công đoàn, mục tiêu cuối cùng là thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Mong công đoàn tiếp tục sát cánh cùng người lao động
Gửi gắm mong muốn tới Đại hội công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy Hà Phương Anh bày tỏ: Trước thềm mỗi kỳ đại hội, chúng tôi đều mong muốn làm sao để tổ chức Công đoàn luôn là tổ chức đại diện lớn nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ở kỳ Đại hội Công đoàn TP lần này, tôi mong muốn tổ chức Công đoàn Thủ Đô tiếp tục sát cánh cùng người lao động Thủ Đô để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân lao động. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn Đại hội sẽ đưa ra những giải pháp quan tâm đồng đều tới người lao động làm việc tại doanh nghiệp không nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ví dụ như hiện nay có Chính sách phát triển giáo dục mầm non được quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
Quan tâm tới đảm bảo quyền lợi cho lao động nhập cư
Chị Nguyễn Thị Vân, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ nhập cư khu nhà ở xã hội xã Kim Chung huyện Đông Anh bày tỏ mong muốn tại Đại hội này, Công đoàn TP sẽ có giải pháp chăm lo hơn nữa tới đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhập cư từ nơi khác tới sinh sống, làm việc tại địa bàn. Cần có thiết chế để mọi người được tham gia và sinh hoạt các hiệp hội có tổ chức như Hội phụ nữ, Hội Nông dân hay công nhân... Đồng thời, con em chúng tôi được hưởng quyền lợi cần và đủ giống như bao con em người địa phương như được đến các trường công lập học tập, được tham gia sinh hoạt đoàn, đội tại nơi đang cư trú.
Cùng với đó là các cấp công đoàn cần đưa ra giải pháp quan tâm hơn nữa đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người lao động, hiện ở khu chung cư dành cho người lao động đang xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, điện nước...