Kháng thuốc: Đại dịch thầm lặng
Kháng thuốc hiện là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Việc thay đổi nhận thức là điều quan trọng nhất để khống chế tình trạng gia tăng sử dụng kháng sinh bừa bãi, dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Thuốc kháng sinh là những loại thuốc được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng. Sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn của nền y học, chúng giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, với sức xuất hiện của hiện tượng kháng thuốc (kháng kháng sinh), vi khuẩn lại có khả năng đề kháng lại thuốc kháng sinh vốn được dùng để tiêu diệt chúng. Nói cách khác, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Báo cáo Hệ thống giám sát sử dụng và kháng thuốc toàn cầu (GLASS) năm 2022 cho thấy tỷ lệ kháng thuốc đáng báo động trong số các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn phổ biến.
Một ví dụ cụ thể, tỷ lệ trung bình được báo cáo ở 76 quốc gia là 42% vi khuẩn E. coli kháng cephalosporin thế hệ thứ ba. Đối với các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli gây ra, cứ 5 trường hợp thì có 1 trường hợp giảm khả năng nhạy cảm với các loại kháng sinh tiêu chuẩn như ampicillin… vào năm 2020. Điều này khiến việc điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó khăn hơn.
Mức độ kháng thuốc tăng cao có khả năng dẫn đến việc sử dụng nhiều hơn các loại thuốc cuối cùng. Khi hiệu quả của các loại thuốc cuối cùng này bị suy giảm, nguy cơ nhiễm trùng không thể điều trị được sẽ tăng lên.
Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh cuối cùng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, so với mức năm 2005, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các biện pháp quản lý thuốc kháng sinh mạnh mẽ và phạm vi giám sát được tăng cường trên toàn thế giới.
Trong khi đó, WHO dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hoặc chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong và kháng kháng sinh có thể coi là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện.
Theo thống kê, 1/4 bệnh nhân điều trị nội trú được thống kê sử dụng kháng sinh không hợp lý. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Báo cáo gần đây từ dữ liệu kháng sinh đồ cho thấy xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Bên cạnh đó, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.
“Sự xuất hiện của các vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt có những vi khuẩn kháng hết các loại kháng sinh hiện hành, làm cho việc điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nói chung và nhiễm khuẩn trong bệnh viện nói riêng trở nên phức tạp hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng tỷ suất bệnh tật, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, việc điều trị kháng sinh không thích hợp (gồm cả việc điều trị không đủ liều, việc lạm dụng kháng sinh) là một thực tế đang diễn ra hàng ngày, làm tăng gánh nặng chi phí điều trị, tăng tần suất các phản ứng ngoại ý của thuốc, làm gia tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn” - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
TS Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhận định: “Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý”.
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải: “Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư”.
Trước tình trạng nói trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng loại, không tự ý nâng liều lượng.
Bên cạnh đó, dược sĩ nhà thuốc đóng vai trò then chốt trong định hướng và thay đổi nhận thức giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị và sử dụng kháng sinh đúng cách. Để giảm đề kháng kháng sinh, song song việc có chiến lược sử dụng kháng sinh thích hợp và hiệu quả, công tác nâng cao nhận thức của người bệnh cũng rất quan trọng. Trong đó, mỗi dược sĩ là một chiến sĩ trong cuộc chiến giảm đề kháng kháng sinh. Sự tư vấn đúng đắn của dược sĩ khi đón tiếp bệnh nhân tại nhà thuốc giúp nâng cao tuân thủ sử dụng kháng sinh, có tác động tích cực trong bảo tồn kháng sinh
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khang-thuoc-dai-dich-tham-lang-10295351.html