Nam thanh niên 'rước họa' vì rắc bột kháng sinh lên vết thương
Nghĩ rằng đây là vết thương nhỏ, người bệnh chỉ sơ cứu qua loa. Đáng nói, nam thanh niên này đã dùng thuốc kháng sinh dạng bột rắc trực tiếp lên vết thương.
Các bác sĩ khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết vừa điều trị cho nam thanh niên 18 tuổi nhập viện trong tình trạng loét da vùng cẳng chân có chảy dịch vàng, mùi hôi, kèm theo viêm da đỏ xung quanh tổn thương.
ThS.BS Phạm Thị Thu Hằng cho hay ngay khi tiếp nhận người bệnh, qua kết quả khám lâm sàng cùng các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán viêm da nhiễm trùng và có chỉ định nhập viện điều trị xử lý ổ viêm.
Thanh niên này kể lại sau tai nạn giao thông chỉ bị trầy xước da nhẹ vùng cẳng chân, gối khoảng 5-6 cm. Với tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đây chỉ là vết thương nhỏ, ngoài da, người bệnh sơ cứu qua loa. Đáng chú ý, nam thanh niên này đã dùng thuốc kháng sinh dạng bột rắc trực tiếp lên vết thương.
Sau khoảng 2 tuần, vết thương không lành, quanh miệng bắt đầu xuất hiện nhiều tổn thương sẩn đỏ. Người bệnh đã tới thăm khám tại khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E. Thế nhưng, dù được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chủ quan, không tuân thủ, chọn cách tự điều tri tại nhà bằng thuốc kháng sinh đường uống.
"Sau 5 ngày, tình trạng bệnh không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn. Vết thương chảy dịch mủ, đau đớn, hạn chế đi lại, sẩn đỏ và mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Chỉ đến khi không thể chịu đựng thêm, nam thanh niên mới quay lại bệnh viện", BS Thu Hằng nói.
Theo BS Thu Hằng, ở trường hợp người bệnh này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da là sự xâm nhập của vi khuẩn qua vết thương hở. Chính việc vệ sinh không đúng cách như tự ý sử dụng thuốc rắc lên bề mặt vết thương làm ngăn quá trình tự tái tạo của cơ thể, nguy cơ gây kích ứng da, tạo môi trường yếm khí giúp vi khuẩn phát triển thuận lợi hơn.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu là từ thái độ chủ quan của người bệnh, nghĩ rằng đây chỉ là vết thương ngoài da đơn giản, ngay cả khi được chỉ định nên nhập viện vẫn không tuân thủ. Đến khi có nhiễm trùng lan rộng, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như viêm mô tế bào, hoại tử hoặc có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, người bệnh mới đến bệnh viện theo dõi.
Các bác sĩ khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu cảnh báo việc chăm sóc vết thương đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành da. Ngay khi bị trầy xước hoặc tổn thương, người bệnh cần rửa sạch vết thương, sử dụng các dung dịch sát khuẩn để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
Sau đó, rửa vết thương hàng ngày với nước muối sinh lý, nên để thông thoáng, tạo điều kiện cho quá tình lành da. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như rắc bột thuốc kháng sinh, đắp lá cây hay bất kỳ nguyên liệu không được kiểm chứng khác lên vết thương.
"Người dân cần thay đổi nhận thức, không xem nhẹ các vết thương ngoài da. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, chảy dịch mủ, đau tăng dần hoặc sốt,… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Đừng chủ quan với các vết thương nhỏ, bởi chúng có thể trở thành 'cửa ngõ' cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra biến chứng gây nguy hiểm", BS Hằng khuyến cáo.