Khánh Hòa: Đề xuất tháo điểm nghẽn cho phát triển cụm công nghiệp

Mặc dù có chuyển biến tích cực song Khánh Hòa vẫn gặp khó trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Vậy địa phương đã đề xuất những gì để tháo gỡ?

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương gần đây, đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa thông tin, theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa có 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 669 ha.

Hiện 6 cụm đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 80,3%; thu hút được 82 dự án đầu tư; giải quyết việc làm cho khoảng 4.440 lao động.

3 cụm đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động; 2 cụm Cam Thịnh Đông và Cam Thành Nam đã có nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và khảo sát địa điểm đầu tư; 3 cụm đang tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng.

Về tác động của cụm công nghiệp, đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa cho rằng, các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp nói riêng, tăng trưởng kinh tế nói chung.

Cụm công nghiệp Trảng É, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

Cụm công nghiệp Trảng É, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

Tính đến nay, toàn tỉnh có 9/14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 78%; thu hút được 80 dự án đầu tư; giải quyết việc làm cho khoảng 4.400 lao động. Giai đoạn 2021-2023, các doanh nghiệp trong số các cụm công nghiệp tạo ra doanh thu khoảng 6.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 790 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc hình thành các cụm công nghiệp đã tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoạt động ổn định cũng như di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư; tạo điều kiện để các đơn vị mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, có điều kiện đầu tư công nghệ mới để nâng cao thương hiệu sản phẩm; tạo thêm nhiều việc làm ổn định tại địa phương, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động của địa phương.

Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Nhờ đó, giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước; tiến độ xây dựng, chất lượng các hạng mục công trình được quan tâm đầu tư; công tác mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp cũng đạt hiệu quả hơn.

Đặc biệt, hầu hết, các cụm công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh đều xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; công tác kiểm tra việc thực hiện những nội dung đã cam kết sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở sản xuất, việc hướng dẫn kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ tại các cụm công nghiệp được thực hiện thường xuyên theo đúng quy định. Do vậy, đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Dù vậy, theo đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa, hiện trạng phát triển, nhất là thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn tồn tại hạn chế. Đáng kể nhất là chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các cụm còn ít, thực thi chính sách gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của một số cụm công nghiệp như Trảng É 2, Diên Thọ.

Về thủ tục thành lập cụm công nghiệp, theo đại diện Sở Công Thương Khánh Hòa, đây là nút thắt khó gỡ, gây lúng túng cho cả đơn vị chức năng và doanh nghiệp. Cụ thể, về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư có sự chồng chéo giữa Nghị định 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 32) và pháp luật đầu tư.

Dẫn đến khi dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định hướng dẫn hay không? Trường hợp có thì thực hiện thủ tục thành lập cụm công nghiệp trước hay sau thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thực hiện sau có chấp nhận nhà đầu tư được lựa chọn từ thủ tục trước không?

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Công Thương Khánh Hòa đề xuất, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn Sở Công Thương thực hiện các thủ tục này để đảm bảo đúng quy định pháp luật khi thành lập cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định 32 quy định, UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung quy định về trình tự thực hiện đối với nội dung điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khanh-hoa-de-xuat-thao-diem-nghen-cho-phat-trien-cum-cong-nghiep-323923.html