Khánh Hòa: Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,2%/năm nhờ Chương trình 1719
Chương trình 1719 đã giúp thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa tăng 2 lần so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 7,2%.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này có 28 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I; 66 thôn đặc biệt khó khăn; 2 huyện nghèo 30a (Khánh Sơn và Khánh Vĩnh).
Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) giai đoạn 2021 - 2025 gặp không ít khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phần lớn là đồi núi cao, địa hình chia cắt; cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xuất phát điểm thấp, trình độ học vấn và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; lao động sản xuất còn lạc hậu; đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
“Chương trình 1719 lại có nội dung, quy mô rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ, ngành, nên quá trình thực hiện phải tiến hành nhiều bước, nhiều quy trình, thủ tục, dẫn tới sự chậm trễ nhất định”, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Khánh Hòa thẳng thắn đánh giá.

Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa
Ngày 11/1/2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chương trình 1719 giai đoạn 2021 - 2023, định hướng đến năm 2030. Từ đó tới nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 20 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 32 quyết định, kế hoạch và rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình này.
Đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 từ năm 2022 đến năm 2024 đạt 87,3%; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu cụ thể đề ra cho Khánh Hòa theo Nghị quyết số 88/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 7,2%; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế...
Đặc biệt, 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã thoát khỏi huyện nghèo 30a.
Những kết quả đạt được đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
“Chương trình 1719 đã tạo động lực, cơ hội để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định nơi ở, có việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng và nhà nước ta chăm lo đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó các dân tộc Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Hoàng nhận định.