Khánh Sơn, một thời nhớ lại…

Nhắc đến Khánh Sơn ngày nay là nhắc đến một huyện miền núi đang phát triển về nhiều mặt, đời sống của người dân được nâng cao, bức tranh nông thôn mới xuất hiện ngày càng rõ nét. Đặc biệt, sự hình thành, mở rộng các vườn cây ăn quả đã tạo cho Khánh Sơn bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là sầu riêng, loại quả đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới. Đối với những người từng đến Khánh Sơn vài mươi năm trước, nay trở lại, niềm vui, niềm tự hào về vùng đất này dường như được nhân lên gấp bội. Vì nói đến Khánh Sơn mấy mươi năm trước là nói đến đói khổ, thiếu thốn…

Một phần thị trấn Tô Hạp sau khi tái thành lập huyện Khánh Sơn (năm 1985). (Ảnh tư liệu)

Một phần thị trấn Tô Hạp sau khi tái thành lập huyện Khánh Sơn (năm 1985). (Ảnh tư liệu)

Còn nhớ, năm 1985, khi huyện Khánh Sơn tái thành lập (tách ra từ huyện Cam Ranh), đây là vùng đất đầy ắp khó khăn. Sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, nhiều nơi trong huyện chưa kịp khôi phục, còn nằm trong cảnh hoang tàn. Tô Hạp, thủ phủ của huyện lúc ấy dân cư thưa thớt; nhà cửa đa phần là nhà tranh, hoặc lợp tôn nằm dọc theo mấy con đường đất. Trụ sở của Huyện ủy, UNBD và các cơ quan, ban, ngành của huyện đều là những công trình được xây dựng đơn giản, chỉ riêng Bưu điện huyện có phần bề thế hơn. Người dân trong huyện đa số là đồng bào Raglai, quen sống theo lối du canh, du cư nên nhiều gia đình thường thiếu ăn, không ít trường hợp phải đào củ mài, rau rừng để sống…, chưa kể bệnh sốt rét hoành hành trên nhiều địa bàn.

Thời ấy, làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin, tôi hay được phân công lên công tác ở Khánh Sơn, rồi không ít lần đi cùng với anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh trong những chuyến thâm nhập thực tế tại đây để sáng tác. Tuy cách Nha Trang chỉ 100km, nhưng mỗi lần đi phải trải qua quãng đường khá cực nhọc. Đơn giản là phương tiện đã thiếu, đường sá thì hẹp, lại hư hỏng, xuống cấp. Nhất là đoạn đường đèo quanh co, dài hơn 10km nối Cam Ranh với Khánh Sơn, chỗ nào cũng gập ghềnh, đầy ổ gà, ổ voi, chưa kể khi mùa mưa đến nhiều chỗ sạt lở, đất đá từ núi đổ xuống lấp cả mặt đường. Ở vài đoạn có đập tràn băng ngang, nhiều khi mưa to, nước chảy xiết, cả xe ô tô cũng không thể qua được. Không ít trường hợp đang đi, bị kẹt, xe phải dừng ngay trên đèo, đợi cho nước rút, đường thông. Đường lên huyện đã vậy, những con đường từ huyện dẫn xuống các xã thì khỏi phải nói, mùa đông lắm khúc lầy lội, mùa khô thì bụi đất bay mù mịt mỗi khi có xe đi qua.

Đang thời bao cấp, anh em cán bộ ở huyện chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi, nhưng đáng quý là khi có cán bộ ở tỉnh về, tất cả đều nhiệt tình, lo giúp chỗ ăn, chỗ ở. Người nào cần xuống cơ sở để nắm tình hình thì huyện phân công người chở hộ, còn gần thì cho mượn xe đạp. Riêng với anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh, lần nào xuống các địa bàn của huyện để lấy tư liệu phục vụ công việc nghiên cứu, sáng tác cũng được Huyện ủy, UBND huyện đón tiếp chu đáo, phân công người giúp đỡ cho đoàn, giới thiệu cụ thể những nhân tố điển hình để anh em tiếp cận, tìm hiểu. Qua đó, nhiều tác phẩm về văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, nghiên cứu văn hóa dân gian… có liên quan đến vùng đất Khánh Sơn, cả về đề tài chiến tranh lẫn xây dựng quê hương, đất nước đã ra đời và được công bố rộng rãi trong tỉnh, trong nước. Có người, như nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang, rất nhiều năm sau này vẫn gắn bó với Khánh Sơn, tiếp tục lặn lội về những buôn làng xa xôi để sưu tầm, biên khảo, giới thiệu nhiều công trình văn hóa có giá trị của người Raglai, trong đó có “Truyện cổ Raglai", “Akhajuca (sử thi) của người Raglai”…

Một góc thị trấn Tô Hạp. Ảnh: N.T

Một góc thị trấn Tô Hạp. Ảnh: N.T

Năm tháng dần trôi, những hố bom được lấp dần, những ngọn đồi trọc đã hóa thành các vườn cây ăn trái, những mảnh đất đầy lau lách đã biến thành ruộng lúa và những ngôi nhà khang trang bắt đầu được dựng lên… Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh, du cư, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư, biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Khai thác lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, sản xuất nông nghiệp của huyện đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, mía tím, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ... đã thay thế dần các loại cây trồng cũ… Từ chỗ là một trong những huyện nghèo nhất cả nước trước đây, Khánh Sơn hiện nay đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo. Trong sự hồi sinh và phát triển ngoạn mục ấy, cùng với nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân của huyện, có sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và Trung ương.

Tô Hạp giờ đây là thị trấn đầy sầm uất và đẹp như một bức tranh được nhiều bạn bè từ xa tìm đến. Trên những con đường đất nhỏ bé ngày xưa, nay đã mọc lên bao ngôi nhà khang trang cùng những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tấp nập, và tất cả đều có ghi số nhà, tên phố hẳn hoi.

Mới đây, đến Khánh Sơn, tôi có dịp ghé thăm một anh bạn cũ vốn là cán bộ của huyện ngày xưa. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh em ôn lại bao nhiêu chuyện, trong đó có chuyện ngày xưa chúng tôi lên đây công tác khi huyện còn khó khăn. Giữa lúc trò chuyện, bất ngờ anh hỏi: “Anh còn nhớ hồi năm 1987, khi hai anh em mình xuống xã, giữa đường chiếc xe đạp của em nổ lốp, tìm không có chỗ để vá, thế là cả hai phải dắt xe đi bộ suốt cả buổi trên con đường đầy bùn lầy không? Hồi đó khổ quá anh hả”.

- Nhớ chứ! -Tôi cười - Làm sao quên được!

Khánh Sơn, một thời nhớ lại…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202311/khanh-son-mot-thoi-nho-lai-55f2f63/