Khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), sáng 9/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên). Đây là sự kiện chính trị mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025).

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát biểu tại buổi khánh thành và bàn giao, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 đồng chí, trong đó đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; đồng chí Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.

Tham gia giảng dạy tại trường có hơn 30 giảng viên đều là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bích Nguyên

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7/1949) với hơn 40 học viên, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước. Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ nước nhà.

Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích.

Năm 2024, thiết thực chào mừng 75 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau khi được tu bổ, tôn tạo. Ảnh: Bích Nguyên

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau khi được tu bổ, tôn tạo. Ảnh: Bích Nguyên

Phát biểu tại buổi khánh thành và bàn giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, công trình được khánh thành hôm nay thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Đây cũng là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Các đại biểu tham quan nhà trưng bày tại khu di tích. Ảnh: Bích Nguyên

Các đại biểu tham quan nhà trưng bày tại khu di tích. Ảnh: Bích Nguyên

“Hơn lúc nào hết, vai trò là lực lượng tuyến đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng tôi luyện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để làm tốt hơn công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, phản ánh khách quan, sinh động và đa chiều thực tiễn cuộc sống, khơi nguồn, lan tỏa những điều tốt đẹp, kiên quyết phê phán, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xứng đáng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Với nỗ lực không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao cũng như bổ sung các công năng cần thiết, quá trình tu bổ, tôn tạo Di ti tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hiện có các cấu phần như sau:

Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy;

Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950; Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2...

Tại buổi khánh thành và bàn giao, Báo Nhà báo và Công luận đã tặng 20 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi của huyện Đại Từ. Ảnh: Bích Nguyên

Tại buổi khánh thành và bàn giao, Báo Nhà báo và Công luận đã tặng 20 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi của huyện Đại Từ. Ảnh: Bích Nguyên

Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Báo chí chiến khu Việt Bắc tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khanh-thanh-ban-giao-cong-trinh-tu-bo-ton-tao-di-tich-quoc-gia-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-post479294.html