Khánh thành dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam
Ngày cắt băng khánh thành dự án cũng là ngày đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu Cát Linh - Hà Đông.
Sáng 13-1, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức lễ khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được triển khai thành công.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc, UBND TP Hà Nội và người dân… dự án thí điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đã giải quyết được những khó khăn để đưa vào khai thác thương mại.
Cần bảo hành, bảo trì dự án theo quy định
Để đảm bảo dự án vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục đầu tư các dự án đường sắt đô thị còn lại, trước mắt là dự án metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội. Mục đích cụ thể hóa quy hoạch giao thông và mạng lưới đường sắt đô thị của thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ban quản lý dự án đường sắt được giao tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định. “Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP Hà Nội trong công tác vận hành, khai thác an toàn giai đoạn đầu và trong thời gian bảo hành công trình” - Thứ trưởng Đông nói.
Tại lễ khánh thành, ông Hùng Ba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, chúc mừng dự án metro Cát Linh - Hà Đông chính thức hoàn thành và cám ơn các đơn vị quản lý, nhà thầu hai nước đã thực hiện dự án.
Số lượng hành khách đi tàu ngày càng tăng
Về phía chính quyền Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết sau hơn hai tháng đi vào vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đảm bảo chạy tàu an toàn tuyệt đối và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là được đông đảo người dân thủ đô đồng tình ủng hộ và đón nhận.
Mỗi ngày dự án vận chuyển bình quân gần 15.000 hành khách. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gần đây số hành khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến tuy có giảm nhưng hành khách có nhu cầu sử dụng thực tế là những người đi làm, đi học thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng.
“Cụ thể, lượng khách tăng từ 10% ban đầu lên hơn 20% và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới khi học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại. Ngày hôm nay cắt băng khánh thành dự án cũng là ngày đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu Cát Linh - Hà Đông” - ông Quyền cho hay.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội, hiện mỗi ngày có 203 chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5 giờ 30 đến 22 giờ. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga. Trong dịp tết, tàu có thay đổi thời gian vận hành.
“Cụ thể, 29 tết tàu sẽ vận hành đến 21 giờ thay vì 22 giờ như hiện nay. Sáng mùng 1, lịch chạy tàu bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 20 giờ. Mùng 2 tết, tàu chạy từ 6 giờ 30 đến 21 giờ. Từ mùng 3 tết trở đi vận hành như hiện nay…” - ông Trường thông tin.•
Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 891 triệu USD
Dự án metro Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng ngày 10-10-2011. Trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, đến ngày 6-11-2021 dự án được đưa vào khai thác.
Dự án được đầu tư bằng vốn ODA Trung Quốc với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (tương đương 8.700 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng trong nước là 113 triệu USD. Sau đó, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 891 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc bổ sung là 250 triệu USD từ năm 2017.
Theo hiệp định của chính phủ hai nước, dự án này do Trung Quốc thực hiện nên phía Trung Quốc đã chỉ định Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Trung Quốc thực hiện gói thầu và Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh tiến hành giám sát.
Tổng chiều dài dự án hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chở tối đa 960 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ.