Khánh thành khu tưởng niệm Tổng Chúp
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc khánh thành nhà văn hóa kết hợp gian tưởng niệm tại Tổng Chúp (TP Cao Bằng) có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân Cao Bằng và cả nước.
Sáng 19/2, tại TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) diễn ra lễ khánh thành nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian tưởng niệm 43 nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp năm 1979.
Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng, các nhà tài trợ và nhân dân các dân tộc xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Hoàn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Cao Bằng bày tỏ: Với tình cảm sâu sắc giành cho Cao Bằng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ cho TP Cao Bằng có được nhà văn hóa khang trang như ngày hôm nay.
Theo ông Hoàn, không gian sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ một khu đất rậm rạp, ùm tùm cây cối, không có đường vào, phải đi nhờ qua đất của người dân. Công trình chính thức khởi công vào tháng 9/2023 đến nay đã hoàn thành các hạng mục theo thiết kế.
Các hạng mục chính của công trình gồm: gian nhà chính mang bản sắc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày Cao Bằng có chức năng phục vụ sinh hoạt cộng đồng; hội trường có sức chứa 150 người và gian thờ tưởng niệm. Các hạng mục ngoài nhà gồm có: khôi phục cảnh quan giếng nước xây bằng gạch nung, xây dựng ao nước với diện tích 130m2, sân lát gạch, các bồn trồng cây hoa, cây cảnh và hệ thống chiếu sáng sân, vườn được đầu tư đồng bộ...
Chủ tịch TP Cao Bằng Nguyễn Thế Hoàn cho biết, trên mặt bằng thi công, thành phố đã giữ gìn cơ bản nguyên trạng các bụi tre, các cây trồng hiện có để tạo cho công trình có được cảnh quan tự nhiên nhất và gần gũi với thiên nhiên. Tổng mức đầu tư dự án sau khi huy động các nguồn lực xã hội hóa là 13 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thế Hoàn, công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đã đáp lại sự mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền, người dân xã Hưng Đạo và các xóm, xã lân cận. Từ nay, người dân có một không gian, một nhà văn hóa khang trang để hội họp, tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao; là nơi để các cấp chính quyền tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, khẳng định giá trị và ý nghĩa của công trình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP Cao Bằng và nhân dân xóm Đồng Chúp nói riêng cần quản lý, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị công trình thật tốt; qua đó, phát huy giá trị tưởng niệm, giá trị phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cảm ơn các nhà tài trợ đã ủng hộ, đóng góp xây dựng công trình ý nghĩa này.
Cách đây 45 năm, vào ngày 9/3/1979, trên đường rút quân, một toán lính Trung Quốc đã dồn một nhóm công nhân làm việc tại nông trường thuộc cơ quan Nhà nước đến khu vực Tổng Chúp rồi dùng cọc tre xuống tay sát hại 43 người vô tội. Đáng chú ý, trong số những nạn nhân xấu số, đa phần là phụ nữ và trẻ em, có nhiều nạn nhân đang mang thai trước khi bị tàn sát.
Từ thời điểm tháng 3/1979 đến cuối năm 2023 (khoảng 44 năm), nơi 43 người bị sát hại là một khu vực rậm rạp cây cối, cỏ mọc um tùm. Những gì còn sót lại sau gần nửa thế kỷ chỉ vỏn vẹn là một giếng nước hoang lạnh và khóm tre già cùng tấm biển ghi lại sự kiện như một cách để nhắc nhở về nỗi đau mà quân xâm lược đã gây ra cho đồng bào tỉnh biên giới Cao Bằng.
Cuối năm 2023, TP Cao Bằng nâng cấp, xây dựng nơi xảy ra vụ thảm sát Tổng Chúp trước đây thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khu tưởng niệm những nạn nhân xấu số bằng nguồn lực xã hội hóa.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khanh-thanh-khu-tuong-niem-tong-chup-2250448.html