Khánh thành Phù điêu đồng chí Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình ngày 04/6/1930

Ngày 23/12, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ khánh thành phù điêu đồng chí Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình ngày 04/6/1930, tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, huyện Đức Hòa.

Đại biểu cắt băng khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm

Đại biểu cắt băng khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm

Đến dự có nguyên Chủ tịch nước- Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Lê Tấn Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải; Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang thắp hương tại tượng đài Võ Văn Tần, khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang thắp hương tại tượng đài Võ Văn Tần, khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình thắp hương tại tượng đài Võ Văn Tần, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình thắp hương tại tượng đài Võ Văn Tần, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Đồng chí Châu Văn Liêm có bí danh là Việt, sinh ngày 29/6/1902 tại ấp Rạch Tra, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau khi đỗ đầu kỳ thi lấy bằng thành chung (trung học), ông được tuyển thẳng vào Trường Sư phạm Hậu bổ ở Sài Gòn. Sau đó, ông về dạy học tại tỉnh Long Xuyên. Trong quá trình dạy học, ông tham gia nhiều hoạt động yêu nước.

Tháng 8/1927, Châu Văn Liêm được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tháng 02/1928, đồng chí được cử làm Bí thư tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí tỉnh Long Xuyên. Tháng 02/1929, đồng chí thôi dạy học, thoát ly gia đình lên Sài Gòn chuyên tâm hoạt động cách mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đức Hòa tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của Di tích quốc gia Ngã tư Đức Hòa

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đức Hòa tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của Di tích quốc gia Ngã tư Đức Hòa

Ngày 04/6/1930, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, Quận ủy Đức Hòa huy động khoảng 5.000 nông dân trong quận tập trung tại Ngã tư Đức Hòa vào lúc 17 giờ, tiến vào quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống đàn áp. Địch ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng và truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình.

Đồng chí Châu Văn Liêm - người lãnh đạo cao nhất của cuộc biểu tình - tiến lên phía trước gặp tên cò Dreuil để đưa bản yêu sách, trực tiếp tranh luận vạch trần tội ác của địch. Tên cò Dreuil rút súng lục bắn vào giữa ngực đồng chí Châu Văn Liêm và ra lệnh nã súng vào đoàn biểu tình. Cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 và gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp. Sự kiện này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An - Chợ Lớn năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng và là cuộc biểu dương lực lượng chưa từng có của Nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ.

Đại biểu thắp hương tại Phù điêu Châu Văn Liêm

Đại biểu thắp hương tại Phù điêu Châu Văn Liêm

Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản văn hóa cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 tại nơi đồng chí hy sinh, từ năm 1995, tỉnh Long An đã xây dựng Phù điêu đồng chí Châu Văn Liêm. Năm 2020, được sự quan tâm của Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, dự án chỉnh trang khu vực phù điêu đồng chí Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 được tỉnh đầu tư, nâng cấp về quy mô, nội dung, nghệ thuật.

Phù điêu Châu Văn Liêm mới có kích thước trung bình cao 5,5 mét, tổng diện tích 90m2 được làm từ chất liệu bê tông cốt thép giả đồng, tái hiện lại cuộc biểu tình của 5.000 nông dân ở các làng quanh quận lỵ Đức Hòa, nổi bật với hình tượng đồng chí Châu Văn Liêm ở vị trí trung tâm, có kích thước cao, to nhất, với dáng đi hiên ngang tiến thẳng, mặt đối mặt với quân địch, tay trái cầm tờ yêu sách, tay phải chỉ thẳng để tố cáo tội ác của chế độ thực dân,… đòi quyền lợi cho người dân lao động. Công trình có kinh phí đầu tư trên mười chín tỷ đồng, đến nay, công trình đã được hoàn thành.

Đại biểu mặc niệm tưởng nhớ và tri ân đồng chí Châu Văn Liêm

Đại biểu mặc niệm tưởng nhớ và tri ân đồng chí Châu Văn Liêm

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đức Hòa cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của Di tích quốc gia Ngã tư Đức Hòa, để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Long An, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khanh-thanh-phu-dieu-dong-chi-chau-van-liem-va-cuoc-bieu-tinh-ngay-04-6-1930-a127598.html