Khánh Thiện phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Với nền nông nghiệp trù phú cùng nhiều làng nghề, văn hóa đặc trưng, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh đang xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích hợp, đa giá trị, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Vùng đất giàu tiềm năng
Xã Khánh Thiện nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Khánh, giao thông đường bộ và đường thủy đều rất thuận tiện. Bên cạnh đó, địa phương còn được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, từng được mệnh danh là "Bồng châu văn hiến". Trên địa bàn xã hiện có không ít các di tích lịch sử văn hóa có giá trị, tuổi đời hàng trăm năm như: Chùa Đọ, đền Quan Thám, đình Bồng Hải... Ngoài ra, địa phương vẫn duy trì một số lễ hội đặc sắc hàng năm như: lễ hội Bồng Hải, lễ hội Phụng Nghinh...
Nhắc đến Khánh Thiện không thể không nói tới nét văn hóa ẩm thực truyền thống có một không hai của người dân nơi đây. Trong đó, nổi bật là làng nghề ẩm thực Phong An với bánh đa vừng thơm ngon, ròn rụm, rồi còn bánh nếp, bánh mật, bánh khoái, bánh đúc và nhiều món ăn đặc sắc khác như: phở bò, tái dê, miến lươn, chạo... Các món ăn này đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, với nguyên liệu là các nông sản sẵn có tại địa phương. Qua đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và bí kíp riêng của mỗi người thợ, mỗi sản phẩm làm ra đều mang phong vị rất riêng, vừa ngon lại vừa "lành".
Cùng với làng nghề ẩm thực Phong An, xã Khánh Thiện còn có làng nghề cây cảnh xóm 1 là nơi tập trung nhiều thợ lành nghề trong việc chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, chế tác non bộ. Sản phẩm của làng nghề gồm nhiều chủng loại cây khác nhau với đa dạng các kích cỡ từ bonsai đến cổ thụ cỡ lớn, mang giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, nhiều năm qua, người dân Khánh Thiện luôn đoàn kết, gắn bó trong cuộc sống, sản xuất và dựng xây làng xóm, quê hương.
Thông qua chương trình xây dựng NTM, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tiện nghi. Những ngôi nhà được gìn giữ sạch đẹp từ nhà đến ngõ. Nhiều tuyến đường được trồng cây, trồng hoa xanh tươi, rực rỡ, tạo điểm nhấn về cảnh quan. Nếp sống văn hóa ngày càng được củng cố, các sinh hoạt, phong tục tập quán lành mạnh vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển. Xã có câu lạc bộ hát chèo, câu lạc bộ múa trống thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn.
Mới đây, trong một cuộc khảo sát, xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại xã Khánh Thiện, các nhà quản lý, chuyên gia đều có chung nhận định: Với giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, cảnh quan đẹp và làng nghề truyền thống đặc sắc, Khánh Thiện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch nêu quan điểm: Khánh Thiện mang nhiều dấu ấn văn hóa của một thời "ăn sóng, nói gió", "di dân, di thần", khai hoang lấn biển, cùng nhau lập nên đình làng Bồng Hải, chùa Đọ... cách đây hàng trăm năm. Đây là một vùng quê trù phú, bên dòng "sông thơ, sông lụa" còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống thông qua các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, tồn tại bên những làng nghề là tiềm năng cho việc phát triển du lịch khi chúng ta biết làm quy hoạch, biết kết nối…
Để mở lối cho du lịch
Ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết: Trong tiến trình xây dựng NTM, ngoài việc chỉnh trang, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chúng tôi rất trăn trở làm cách nào để gia tăng thu nhập cho người dân. Thực tế quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không còn nhiều, do vậy, xã đang quyết tâm chuyển hướng sang làm du lịch, việc này vừa tạo thêm việc làm, vừa là kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, ngoài tiềm năng sẵn có thì lộ trình, cách làm như thế nào để mở lối cho du lịch địa phương phát triển rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chuyên môn.
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, mỗi điểm đến, mỗi sản phẩm du lịch đều bắt nguồn từ các câu chuyện văn hóa. Bởi vậy, trước tiên Khánh Thiện cần lựa chọn, tạo các điểm nhấn về văn hóa. Các di tích như chùa Đọ, chợ Xanh…, các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm do chính người dân địa phương biểu diễn sẽ rất hấp dẫn.
Về hạ tầng, qua những năm xây dựng NTM đã cơ bản hoàn chỉnh, chỉ cần đầu tư, quy hoạch thêm chỗ đỗ xe, nơi đón tiếp khách, nhà vệ sinh, hệ thống nhà hàng, khách sạn có thể đầu tư sau. Bước đầu, Sở sẽ hỗ trợ địa phương trong việc tư vấn, thiết kế sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá, kết nối với các điểm đến khác; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là những người nông dân, vì thế, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và phát huy các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.
Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản cũng như phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng diễn ra nhanh, mạnh, nhu cầu được tìm về những vùng quê bình dị để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành càng cao.
Vì thế, phát triển du lịch nông thôn được nhận định là giải pháp góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng không gian phát triển cho du lịch Ninh Bình. Nếu mô hình du lịch nông thôn ở Khánh Thiện được xây dựng thành công sẽ là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh ta theo hướng tích hợp đa giá trị.