Khánh Vĩnh: Già làng tích cực tuyên truyền an toàn giao thông

Cùng với việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, nhờ nắm bắt sâu những vấn đề nổi cộm về trật tự an toàn giao thông tại cơ sở, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh đã từng bước nâng cao nhận thức pháp luật về giao thông cho đồng bào, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.

Kiên trì vận động

Theo chân già làng Đinh Diên ở thôn Chà Liên 2, xã Liên Sang, chúng tôi đến thăm gia đình chị Cao Thị Diệu vừa xuất viện trở về nhà sau một thời gian dài nằm điều trị vì tai nạn giao thông. Vết thương gãy xương sườn thỉnh thoảng lại khiến chị Diệu đau khi nói chuyện. Chị Diệu cho biết, đầu tháng 9-2023, mẹ con chị được người anh rể chở đến xã Sơn Thái. Vừa chạy từ nhà ra hướng Quốc lộ 27C vài chục mét, chị nghe tiếng anh rể la lên, rồi tiếng va chạm vang lên; sau đó, chị không biết gì nữa. Mẹ con chị Diệu chỉ bị thương, nhưng người anh rể tử vong tại hiện trường.

Già làng Đinh Diên (thứ 2 từ phải sang) cùng lực lượng công an cơ sở tuyên truyền pháp luật về giao thông cho người dân trong xã.

Già làng Đinh Diên (thứ 2 từ phải sang) cùng lực lượng công an cơ sở tuyên truyền pháp luật về giao thông cho người dân trong xã.

Già làng Đinh Diên cho biết, vụ tai nạn là do nạn nhân điều khiển xe máy đi ngược chiều đường. Quốc lộ 27C qua trung tâm xã Liên Sang là đoạn đường có dải phân cách cứng với 4 làn xe. Vì để tiện đường cho nhanh nên nạn nhân khi đi từ ngõ ra đã chạy ngược chiều và xảy ra tai nạn. Trước đây, tình trạng đi ngược chiều đường, không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá nhiều. Từ khi xảy ra vụ tai nạn, già làng Đinh Diên khi đi tuyên truyền cho người dân đều lấy câu chuyện nêu trên làm ví dụ để nhắc nhở và yêu cầu người dân phải đi đúng chiều đường, đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy và tuyệt đối không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia.

Ở xã Sơn Thái, mỗi khi Công an xã mời các thanh thiếu niên có hành vi chạy xe nẹt pô với tốc độ cao lên làm việc, xử lý đều có sự hiện diện của già làng hoặc người có uy tín ở địa phương. Hôm chúng tôi có mặt, Công an xã Sơn Thái đang xử lý trường hợp vi phạm giao thông của anh Hà L., có ông Hà Bang - người có uy tín ở địa phương chứng kiến. Sau khi làm việc với Công an xã, được ông Hà Bang giảng giải hành vi vi phạm, quy định của pháp luật, anh Hà L. nhận ra việc làm chưa đúng của mình và viết cam kết không tái phạm.

Ở các xã Liên Sang, Sơn Thái và các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh, hầu như nhà nào cũng có một chiếc xe máy độ chế. Cách đây ít năm, xe máy độ chế là phương tiện phổ biến mà người dân dùng để lưu thông; còn hiện nay, người dân đều đã biết việc đi xe độ chế là vi phạm luật giao thông nên hầu như không lưu thông trên các tuyến đường, chỉ dùng đi rẫy chở bắp, mì trong những con đường mòn, đường đất trơn trượt. Theo già làng Đinh Diên, bây giờ, kinh tế các hộ khá hơn, hầu như nhà nào cũng có những chiếc xe đúng quy chuẩn, quy định để tham gia giao thông.

Thay đổi nhận thức về an toàn giao thông

Để xóa bỏ những thói quen cố hữu của người dân không thể một sớm một chiều, vì vậy, các già làng thường xuyên đến nhà người dân trong thôn, xã để nói chuyện, trao đổi, giáo dục con em chấp hành pháp luật và luật giao thông. Hàng năm, các già làng, người có uy tín ở huyện Khánh Vĩnh đều được tập huấn những kiến thức và thông tin mới về pháp luật giao thông. Đây là nội dung trọng tâm của mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho đồng bào miền núi Khánh Vĩnh” do Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh xây dựng. Mô hình nhằm phát huy vai trò của già làng, người có uy tín để truyền đạt, giáo dục những quy định của pháp luật về giao thông sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện hơn với đồng bào.

Già Làng Hà Nhơn ở thôn Bố Lang, xã Sơn Thái cùng cán bộ giao thông Công an huyện Khánh Vĩnh đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Già Làng Hà Nhơn ở thôn Bố Lang, xã Sơn Thái cùng cán bộ giao thông Công an huyện Khánh Vĩnh đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Theo lãnh đạo Công an huyện Khánh Vĩnh, trước đây, trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng thanh niên chạy xe độ chế, chạy tốc độ cao, ngược chiều, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn... Đến nay, tình trạng này đã giảm rất nhiều, ý thức tham gia giao thông của người dân đã có chuyển biến tích cực. Kết quả đó một phần nhờ những lời khuyên, những câu chuyện và thông điệp mà các già làng, người có uy tín truyền tải đến người dân. Họ là những cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có pháp luật về an toàn giao thông.

V.NHẤT - T.LONG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuong-trinh-mtqg-giam-ngheo-ben-vung/202312/khanh-vinhgia-lang-tich-cuc-tuyen-truyen-an-toan-giao-thong-0e279d9/