Khảo sát 380 sinh viên tư thục, chỉ 60% sinh viên ý thức rõ về phẩm giá bản thân

Kết quả khảo sát trên 380 sinh viên tư thục, có trên 50% sinh viên có ý thức tốt về phẩm giá bản thân, nhưng số ý thức chưa đầy đủ, đúng đắn cũng còn chiếm tỉ lệ khá lớn.

Ngày 24-5, Trường ĐH Gia Định (TP.HCM) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phẩm cách, sức mạnh tâm lý và sự phát triển toàn diện của sinh viên”.

Tại đây, chia sẻ về chủ đề “Ý thức sống phẩm giá con người của sinh viên một số trường ĐH tư thục ở Việt Nam”, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Quỹ Bông Hồng Nhỏ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Gia Định và cũng là chuyên gia về lĩnh vực tâm lý học trong giáo dục, cho rằng nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện một bài khảo sát với 30 câu hỏi trên nền tảng Google form với 380 sinh viên.

Bộ công cụ khảo sát chia làm ba nhóm, phản ánh ba khía cạnh cốt lõi của phẩm giá nơi sinh viên.

 Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường chia sẻ về khảo sát do nhóm nghiên cứu của ông thực hiện.

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường chia sẻ về khảo sát do nhóm nghiên cứu của ông thực hiện.

Kết quả cho thấy, trên 50% sinh viên có ý thức tốt về phẩm giá bản thân, nhưng số ý thức chưa đầy đủ, đúng đắn cũng còn chiếm tỉ lệ khá lớn (trên 40%).

Những sinh viên có ý thức tốt về phẩm giá bản thân cũng nhìn nhận tích cực về phẩm giá người khác và có thói quen sống phù hợp với phẩm giá con người (83%).

Đa số sinh viên có nhận thức tốt về phẩm giá người khác thì có thói quen sống phù hợp với phẩm giá con người ở mức rất cao (89%). Cạnh đó, có 41% sinh viên có nhìn nhận về phẩm giá bản thân không đầy đủ và chưa đúng đắn thì cũng thiếu nhìn nhận tích cực về phẩm giá người khác.

Theo Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, thói quen sống phù hợp với ý thức phẩm giá con người của sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào sự nhìn nhận đúng đắn và đầy đủ phẩm giá người khác. Tuy nhiên, hiện có khoảng 25% số sinh viên chưa đạt được mức nhận thức cần thiết này.

Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về phẩm giá người khác có liên hệ chặt chẽ với ý thức về phẩm giá bản thân, nhưng hiện chỉ có 60% sinh viên ý thức rõ ràng về phẩm giá bản thân.

Bởi vậy, Tiến sĩ Cường cho rằng cần chú ý giáo dục cho các em học cách nhìn nhận và ý thức giá trị bản thân một cách đầy đủ. Đây chính là phần thiếu sót trong giáo dục giá trị sống cho học sinh và sinh viên.

 Một trong những kết quả khảo sát.

Một trong những kết quả khảo sát.

Từ kết quả khảo sát này, Tiến sĩ Cường đề xuất tích hợp giáo dục phẩm giá như một chủ đề xuyên môn trong các hoạt động học tập và sinh hoạt sinh viên. Các cơ sở đào tạo cần tổ chức các buổi chia sẻ, workshop hoặc huấn luyện kỹ năng để sinh viên hiểu và trân trọng giá trị bản thân.

Đồng thời, sinh viên cần được tăng cường giáo dục nhân bản trong nhà trường, nhấn mạnh mối liên hệ giữa tự trọng và tôn trọng người khác. Cạnh đó, có thể thiết kế các chương trình cố vấn học đường (mentoring) để hỗ trợ sinh viên xây dựng bản sắc cá nhân lành mạnh.

Bên cạnh bài chia sẻ của Tiến sĩ Cường, tại hội thảo còn thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tham dự với nhiều bài chia sẻ thú vị.

 Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài tham dự.

Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài tham dự.

Cụ thể như Giáo sư Lê Xuân Hy, Giám đốc Viện Phát triển Con người tại ĐH Seattle trao đổi về vấn đề dạy và học với AI vì sức mạnh và sự phát triển (của người học).

Giáo sư Kevin L. Ladd (khoa Tâm lý học, Trường ĐH Indiana tại South Bend) chia sẻ về nội dung lòng biết ơn, thơ Haiku và mô hình giảng dạy giải phóng thời gian.

Giáo sư Daniel N. McIntosh, Trưởng Khoa danh dự, Trường Nghệ thuật, Nhân văn & Khoa học Xã hội, ĐH Denver cũng bàn về vấn đề sức mạnh của việc chia sẻ trải nghiệm: Giảng dạy toàn diện về sự phát triển và thực hành tôn giáo, tâm linh.

 Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: HC

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: HC

Hội thảo nhằm thúc đẩy đối thoại học thuật đa chiều, cập nhật các xu hướng và thành tựu nghiên cứu mới, chia sẻ giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực tâm lý học vào giáo dục ĐH trong bối cảnh sinh viên đang chịu nhiều tác động từ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, áp lực xã hội hiện đại.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/khao-sat-380-sinh-vien-tu-thuc-chi-60-sinh-vien-y-thuc-ro-ve-pham-gia-ban-than-post851549.html