Một bao thuốc rẻ hơn ly trà sữa: Cảnh báo đỏ cho môi trường học đường
Ngày 24/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Trường học không khói thuốc: Thách thức và Giải pháp'.
Sự kiện nhằm huy động tiếng nói của giáo viên, học sinh trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đồng thời lan tỏa thông điệp tới Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh chuẩn bị thông qua Luật sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngày 13/6 tới.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lê Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: "Vai trò giáo dục của nhà trường là yếu tố then chốt trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội học đường, trong đó có việc sử dụng các chất gây nghiện và thuốc lá".

Bà Lê Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Tuấn Đạt)
Bà Nhàn khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp đẩy lùi tình trạng sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, ra khỏi môi trường học đường.
Tọa đàm được tổ chức đúng dịp Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tháng hành động vì trẻ em, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn ngành giáo dục và cộng đồng về tác hại của thuốc lá, đồng thời thúc đẩy các giải pháp bảo vệ học sinh, trong đó có việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá.

Ảnh: Tuấn Đạt
Hiện nay, tại Việt Nam, người dưới 18 tuổi vẫn có thể dễ dàng mua thuốc lá, kể cả khi đang mặc đồng phục học sinh. Thuốc lá được bày bán tràn lan tại các cửa hàng bán lẻ, với mức giá rất thấp – chỉ từ 7.000 đến 8.000 đồng/bao. Trong khi đó, một cốc trà sữa phổ biến có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định: "Mức giá thấp là một trong những nguyên nhân khiến thanh thiếu niên dễ tiếp cận thuốc lá và khiến người nghiện khó từ bỏ. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp quan trọng, chiếm tới 50–60% hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá".

Ảnh: Tuấn Đạt
Tại buổi tọa đàm, em Hà Quang Hùng Anh, học sinh lớp 8A5 trường THCS Dịch Vọng Hậu chia sẻ: “Trước khi tham gia tọa đàm, chúng em đã tìm hiểu kỹ về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó, chúng em thấy rõ trách nhiệm phải tuyên truyền, kêu gọi bạn bè, người thân cùng từ bỏ thuốc lá để xây dựng môi trường sống lành mạnh".
Cô Đinh Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đánh giá cao tính thực tiễn của chương trình: “Đây là dịp để học sinh thể hiện chính kiến về một vấn đề lớn của xã hội. Từ nhận thức đến hành động, các em cho thấy trách nhiệm và mong muốn xây dựng môi trường giáo dục không khói thuốc".

Ảnh: Tuấn Đạt
Định hướng của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới
Căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung trọng tâm sau:
Rà soát, bổ sung quy định nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Đẩy mạnh giáo dục học sinh, sinh viên về tác hại của các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá tới cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh, sinh viên.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống thuốc lá trong ngành Giáo dục.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấm mua bán, quảng cáo thuốc lá trong và xung quanh trường học. Phối hợp chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng bán thuốc lá gần cổng trường.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường – gia đình – địa phương trong xây dựng mô hình “Trường học không khói thuốc”.