Khảo sát chất lượng học sinh lớp 12: Tín hiệu tốt của việc dạy và học

Về kết quả khảo sát của Hà Nội đối với học sinh lớp 12 theo cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT chương trình giáo dục phổ thông 2018, các chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tốt, phản ánh thực chất tình hình học tập của học sinh.

Tín hiệu mới

Mới đây, Câu lạc bộ cán bộ quản lí các trường THPT tư thục thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ nhất năm 2025. Hội nghị tập trung thảo luận nhằm làm rõ thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp; triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm ở các trường tư thục.

Thực tế, trong kì khảo sát lớp 12 của Hà Nội vừa qua, khối trường tư thục có hơn 28.000 học sinh tham gia. Kết quả cho thấy nhóm học sinh đạt điểm trung bình (từ 5-6 điểm) chiếm tỉ lệ lớn nhất, đây được xác định là lực lượng nòng cốt để nâng lên mức khá nếu các trường có chiến lược ôn tập tốt. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trình độ học sinh giữa các trường tư thục chưa đồng đều, nhiều học sinh có xu hướng tập trung vào các môn học lựa chọn theo nguyện vọng cá nhân, dẫn đến sự chênh lệch giữa các môn.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, nguyên nhân khiến kết quả khảo sát chưa như mong muốn, là việc học sinh lớp 12 học 3 năm THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng ở tiểu học và THCS học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Như vậy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá với cách học cũ, tư duy cũ đã ảnh hưởng đến kết quả khảo sát của các em.

“Chúng ta phải tiến tới dạy và học thực chất và tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt. Nếu giữ đúng đà này, giáo dục sẽ lấy lại niềm tin của xã hội và các trường đại học không quá căng thẳng khi sử dụng điểm kì thi tốt nghiệp để xét tuyển”.

GS Nguyễn Đình Đức , Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định kết quả khảo sát của Hà Nội đối với học sinh lớp 12 theo cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều đáng mừng. Đây là con số phản ánh thực chất tình hình học tập của học sinh. Ông Đức phân tích, chúng ta đã quen với bệnh thành tích, phổ điểm kì thi tốt nghiệp những năm trước kết quả khá cao.

Thứ hai, kết quả thi đó khẳng định rõ cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh và có sự phân hóa tốt hơn. Bên cạnh những câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án đã có các dạng câu hỏi mới như trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn với cách tính điểm khác. Vì vậy, kết quả này cũng không ngoài dự đoán. “Tôi cho rằng nó phản ánh đúng thực chất và chúng ta phải học thật, thi thật và như thế sẽ tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong năm tới. Cá nhân tôi cho rằng kết quả như vậy là tín hiệu để chúng ta nhìn vào thực chất”, ông Đức nói.

Đáp ứng yêu cầu tuyển sinh

GS Nguyễn Đình Đức dự báo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không còn hiện tượng mưa điểm 9, 10. Theo ông, năm nay, với sự phân hóa tốt như kì thi khảo sát của Hà Nội, trường ĐH yên tâm hơn để xét tuyển và đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh giữa các phương thức xét tuyển.

GS Đình Đức cho rằng kết quả này không đáng lo ngại. Các trường, học sinh, phụ huynh hãy nhìn thẳng vào thực chất để học thật, thi thật. Kết quả này cũng cho thấy phải xem lại việc tổ chức dạy học theo chương trình mới. Ông Đức cho biết, qua tham khảo nhiều giáo viên, học sinh dạy và học theo chương trình mới, nhận thấy việc triển khai ở các trường vẫn còn nhiều chập choạng, nhất là các môn khoa học tự nhiên.

Việc dạy học phải thực chất hơn, phải quan tâm hơn đến giáo dục THPT. Bên cạnh đó, cần cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh, học sinh và cả các trường chứ không thể mãi chạy theo bệnh thành tích. “Chúng ta phải tiến tới dạy và học thực chất và tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt. Nếu giữ đúng đà này, giáo dục sẽ lấy lại niềm tin của xã hội và các trường đại học không quá căng thẳng khi sử dụng điểm kì thi tốt nghiệp để xét tuyển”, GS Nguyễn Đình Đức khẳng định.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, ông cùng 2 giáo sư cùng khoa của trường đã gặp khó với câu 44 (mã đề 109) đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm 2024. Cả ba đã cùng nhau làm thử, nhưng đến cuối buổi chiều vẫn không làm được. Không thể giải nổi trong khuôn khổ thời gian có hạn. “Vậy tại sao chúng ta bắt học sinh học theo cách như vậy? Cần xem lại phương pháp giảng dạy để đào tạo những thế hệ biết cách vận dụng tri thức được học để giải quyết vấn đề thực tiễn”, GS Thái nhấn mạnh.

Ông cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2006 chủ yếu tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, với mục tiêu giúp học sinh trả lời câu hỏi biết được gì sau khi học xong. Tuy vậy, việc áp dụng kiến thức đó vào thực tế thế nào lại chưa được chú trọng. Ví dụ với môn Toán, học sinh chỉ tập trung vào số lượng và dạng bài tập có thể giải quyết, thay vì nắm được ứng dụng của Toán học trong đời sống và các lĩnh vực nghề nghiệp.

Chương trình 2018 được tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tập trung vào câu hỏi học sinh sẽ làm được gì, làm như thế nào sau khi hoàn thành chương trình học. Kì thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi về phương án thi và định dạng bài thi. Điều này thể hiện rõ ở đề minh họa thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đã công bố, nhất là đối với đề môn Toán. Theo ông Thái, đã đến lúc cần dứt khoát chuyển từ tâm lí thi gì học nấy sang học gì thi nấy.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khao-sat-chat-luong-hoc-sinh-lop-12-tin-hieu-tot-cua-viec-day-va-hoc-post1733371.tpo