Khảo sát tình hình nuôi tôm nước lợ của hợp tác xã, tổ hợp tác tại huyện Mỹ Xuyên

Đoàn đã khảo sát thực tế vùng nuôi tôm nước lợ của Hợp tác xã Thành Đạt, xã Hòa Tú 1 và Tổ hợp tác Tôm - lúa - màu, xã Gia Hòa 2. Theo báo cáo của lãnh đạo Hợp tác xã Thành Đạt thì hợp tác xã thuộc vùng sản xuất tôm - lúa có diện tích đất hơn 111ha. Tính riêng năm 2022, sản lượng tôm nuôi nước lợ gần 200 tấn, lợi nhuận đem về cho thành viên 7 tỷ đồng. Ngoài nuôi tôm, trồng lúa, hợp tác xã còn nuôi thêm một số loại cá trong ao nuôi tôm và kinh doanh thuốc thú y thủy sản để cung ứng cho thành viên tham gia hợp tác xã, giá bán thấp hơn so với thị trường. Lãnh đạo hợp tác xã kiến nghị HĐND tỉnh về việc hỗ trợ nguồn vốn vay chuyển đổi mô hình nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc cho hợp tác xã.

Đoàn khảo sát ruộng nuôi tôm càng xanh toàn đực của Tổ hợp tác Tôm - lúa - màu, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Đoàn khảo sát ruộng nuôi tôm càng xanh toàn đực của Tổ hợp tác Tôm - lúa - màu, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Riêng với Tổ hợp tác Tôm - lúa - màu có diện tích đất 27ha, có 18 thành viên tham gia, tổ hợp tác trồng 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ tôm; đồng thời, tận dụng bờ bao quanh ruộng trồng lúa, nuôi tôm, tổ hợp tác trồng các loại màu cung ứng ra thị trường. Vấn đề khó khăn trước mắt của tổ hợp tác là giá mua tôm giống cao, dẫn đến việc giảm lợi nhuận sau thu hoạch.

Phát biểu nhân chuyến khảo sát, đồng chí Lê Văn Hiểu cho rằng, tôm nuôi nước lợ có vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thông qua việc nghe thông tin từ hợp tác xã, tổ hợp tác cho thấy, huyện Mỹ Xuyên có hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi tốt, cùng hệ thống điện đảm bảo cho hộ dân phát triển mô hình nuôi tại hộ; chỉ có khó khăn là về vốn vay để chuyển đổi mô hình nuôi từ ao truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao. Với khó khăn của hợp tác xã, HĐND tỉnh sẽ có ý kiến đến đơn vị liên quan nhằm giải quyết nguồn vốn ủy thác để giải ngân vốn vay đến hợp tác xã. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn vay thì các hợp tác xã phải có phương án kinh doanh; còn khó khăn về mua con giống tôm càng xanh cao thì ngành chuyên môn, địa phương hỗ trợ cơ sở cung ứng con giống chất lượng và có giá bán tốt giới thiệu đến tổ hợp tác. Qua đó, đồng chí Lê Văn Hiểu đề nghị hợp tác xã, tổ hợp tác nỗ lực kết nối các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra để giảm chi phí đầu tư sản xuất và tăng lợi nhuận sau thu hoạch sản phẩm tôm - lúa.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-xuyen/khao-sat-tinh-hinh-nuoi-tom-nuoc-lo-cua-hop-tac-xa-to-hop-tac-tai-huyen-my-xuyen-63647.html