Khắp nơi sốt đất: Một xã hội lười sáng tạo, sản xuất sẽ phải trả giá đắt
Đến cả cán bộ làm nhà nước cũng bỏ việc đi làm cò đất, ôm đất trao tay; một xã hội lười sáng tạo, lười sản xuất, chỉ đua nhau xông vào cơn sốt đất sẽ trả giá đắt.
Đã qua rồi thời của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản… Thời của ông là thời người ta cần một ngôi nhà để ở, một mặt bằng cửa hàng để kinh doanh buôn bán, một khách sạn sang trọng để tỉnh nhà, thành phố tiếp đón quan khách, bạn bè đến thăm.
Còn thời nay, đất trở thành mặt hàng để bán trao tay như bán mớ rau, con cá ngoài chợ. Người người làm tư vấn giới thiệu đất. Ngay cả cán bộ nhà nước cũng bỏ việc đi làm cò đất, tích lũy ít vốn rồi ôm đất buôn trao tay. Người cuối cùng mua để ở thì giá tăng gấp 10-20 lần giá gốc Nhà nước bán.
Mảnh đất tiêu chuẩn cho một gia đình ở có không gian, ga-ra ô tô, rộng 15 x 20m bỗng chốc bị chia nhỏ thành 3 phần 5 x 20m, và giá bị đẩy lên gấp 2-3 lần. Mặt hàng được định giá bằng cảm xúc, trong khi công thức để tính giá thành sản phẩm là: Giá nguyên liệu đầu vào + giá nhân công + khấu hao nhà xưởng, máy móc... + lãi suất ngân hàng + chi phí vận chuyển + chiết khấu lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng phân phối....
Đất không phải sản phẩm của con người làm ra nhưng chúng ta lại tham lam sở hữu càng nhiều càng thấy thiếu. Một xã hội lười sáng tạo, lười sản xuất, lười lao động tay chân và trí óc, lười nghiên cứu chế tạo, lười nghiên cứu khoa học... thì tương lai đất nước không thể lớn mạnh và hùng cường.