Khắp nơi thả hàng triệu con giống thủy sản về môi trường tự nhiên
Nhân 'Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản', sáng nay (1/4) nhiều nơi trên cả nước đã tổ chức thả hàng triệu con giống thủy sản các loại về với môi trường tự nhiên.
Nam Định thả hơn 1 triệu con giống thủy sản giống bố mẹ xuống biển tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy
Phóng viên Minh Long/VOV1 cho biết: Sáng 1/4 tại Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Nam Định phát động “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản”. Hơn 1 triệu con giống thủy sản và giống bố mẹ đã được thả xuống biển tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy trên địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng bãi bồi nằm ở phía Nam cửa Sông Hồng, có tổng diện tích tự nhiên hơn 7 nghìn ha. Phù sa màu mỡ của Sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã. Ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân và các tăng ni, phật tử ở các địa phương lân cận có mặt chứng kiến lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Phạm Văn Mộc, ở xã Giao An, huyện Giao Thủy chia sẻ: "Là ngư dân gắn bó với nghề nhiều năm qua, tôi cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tích cực thả giống tái tạo nguồn lợi để bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản".
Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đây là hoạt động được thực hiện hàng năm nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phục hồi và phát triển đa dạng các loại thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng môi trường bền vững cho tương lai” trong Tháng hành động sẽ tập trung tuyên truyền cho bà con nhân dân những quy định của nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
"Để phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, định hướng về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành liên quan. Tháng hành động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm tạo chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên", ông Dũng nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời tổ chức thi hành hiệu lực, hiệu quả Luật thủy sản năm 2017 và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU).
"Hàng năm, công tác thả giống bổ sung, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước thực hiện là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam ta. Công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo các loài thủy sản quý, hiếm", ông Luân nói.
Ngay sau lễ phát động Tháng hành động, hơn 1 triệu con giống thủy sản và giống bố mẹ gồm các loại như: tôm sú, cua, cá mú, cá đối mục, cá bống bớp, cá hồng mỹ đã được thả xuống biển tại Vườn quốc gia Xuân Thủy./.
Bình Thuận thả hơn một triệu con giống thủy sản về môi trường tự nhiên
Phóng viên Đoàn Sĩ-Cơ quan thường trú VOV tại TP HCM thông tin: Hôm nay (1/4), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thả hơn một triệu con giống thủy sản các loại về với môi trường tự nhiên.
Tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, khoảng một triệu con tôm sú giống và 5.000 con cá giống (mú, bớp) đã được thả xuống biển.
Còn tại hồ Sông Quao, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, ngành thủy sản địa phương đã thả khoảng 60.000 con cá con (cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, các con giống được lựa chọn kỹ càng, sức khỏe tốt. Loài thủy sản chọn thả phải phù hợp, có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường thủy vực, không ảnh hưởng tiêu cực các loài tự nhiên, phục hồi nguồn lợi thủy sản và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Hoạt động thả con giống được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa, không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.
Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, diện tích vùng nội thủy rộng trên 20.000 km2, cùng với hệ thống sông ngòi phân bố khá đều từ Bắc đến Nam đã tạo nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao.
Tuy vậy, hoạt động đánh bắt thủy sản với cường độ cao, liên tục, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản, nhiều loài bị khai thác quá mức, suy kiệt không có khả năng phục hồi.
Trước thực trạng trên, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bổ sung nguồn giống vào các vùng nước tự nhiên, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản./.