Khát!
Không phải đã là vạt nắng thì vạt nắng nào cũng vậy. Càng không phải khi 'khô' mùa nào cũng thế. Mỗi vạt nắng là một sự thật riêng, và mỗi mùa khô là một 'đống' sự thật khác, nó khác bao mùa khô muôn năm qua...
Mặt đất cung cấp cho con người những bữa tiệc vô tận, như là “trách nhiệm” hiển nhiên của nó. Con người có vẻ luôn nghĩ thế.
Và giá cà phê “nóng”: từ 35.000 - 45.000 đồng/kg liên tục mấy năm trước một phát nhảy lên 105.000/kg. Không chỉ cà phê, sầu riêng loại 1 giá đang trên 200.000 đồng/kg. Và trà đọt, kén tằm, hạt tiêu cũng bỗng dưng... được giá! Bình thường đã chăm, nay giá cao, người nông dân càng nâng niu rẫy vườn hơn.
Và mọi điều đều nằm ở những cái gốc cây ấy. Đâu dễ gì mà chúng được tốt tươi.
Quay cuồng
Dưới lớp thực vật gọi là “cây trồng” kia đang diễn ra một cuộc rượt đuổi. Một, ở nhiệm vụ hủy hoại; một, bảo vệ thành quả lao động. Trời kia một cực, con người một cực. Quyết liệt. Mưa đã bàn giao mặt đất này cho nắng. Ở đây chả có xuân, hạ, thu, đông gì đâu. Rất rõ ràng, ngắn gọn, dứt khoát, quyết liệt, chỉ có hai mùa mưa, khô (nắng), với miền Thượng. Cuộc bàn giao tự nhiên, tỉnh bơ, không văn bản, không cần thỏa ước, phụ lục hay đoạn tái bút. Nhưng năm nay mùa nắng có vẻ bạo tàn, “chơi” gắt, quá tay. Cứ như có cuộc giành giật nước âm thầm của lòng đất với không khí, giữa “trên” với “dưới”, giữa “trong” với “ngoài”, giữa người với người, giữa cây với cây.
*
Đang trên non cao mà khí trời đặc quánh lại, chẳng loãng ra theo quy luật thông thường về độ cao. Đó đây ở Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng hay Bình Phước... vườn rẫy gồng mình lên. Do thiếu nước nên đây đó trong các rẫy, trên cành cà phê những lớp trái non vừa đậu sau khi trút xong nhụy bông đã khô quắt lại, xám đen cả cành. Không có nước là cơ hội sinh sôi bùng phát loài côn trùng rệp sáp trên loài cây này và chúng sẽ bám chặt để hút hết nhựa cho đến khi cây kiệt sức, xám đen.
Dân cày tất tả, hớt hải đi “chạy nước” mà như “mùa hội”, thứ “hội” khốn đốn, cay nghiệt, khổ đau.
Những dải núi đồi, rẫy vườn, trang trại, cánh đồng, thảo nguyên, bon làng như đang được “nung” trong nắng cháy.
Dễ thấy ánh mắt thèm thuồng của những nông hộ không có nước tưới khi họ nhìn thấy vòi nước trắng xóa nơi tay của nông hộ nào may mắn “còn có nước”. Mới nhận ra thế giới này không có thứ gì là “của chung”. Tất cả đều thành của riêng. Như nước từ trời, tụ đọng lại vị trí của kẻ nào thì thành của kẻ đó chứ không phải chung của cộng đồng. Ai đào được cái ao, hồ trên đất của mình thì nguồn nước ấy sẽ trở thành “hàng hóa” với giá 300 - 350 - 400 - 500 ngàn đồng cho mỗi giờ đưa ống vào hút, tùy cự ly gần xa. Nhưng không phải chỗ trũng nào cũng còn nước ngầm. Thế nên, nơi những dải núi đồi trồng sầu riêng, dễ thấy nông dân chở bồn đi mua nước ở những địa bàn còn “vắt” ra nước.
Sầu riêng có thể mua nước mỗi bồn để tưới từng xô, can như thế nhưng cà phê thì nguồn nước phải tưng bừng như mưa mới đáp ứng sự cần nước của nó. Thế là nông dân chỉ còn cách xả bỏ những trái non vừa tượng hình để “cứu cây”. Không xả thì sớm muộn cây sẽ chết, chết đồng loạt, chết cả nông trang.
Cũng chẳng còn lạ nữa khi có những nơi dân cày phải thuê khoan tới 100, 150, 200m sâu trong lòng đất mới may mắn gặp mạch nước ngầm. Ba mươi năm trước, cũng trong những hành trình xuyên núi đồi như thế này, tôi chứng kiến cô bác đào vài ba, cao nhất là chục thước đã gặp nước - thuở giếng nước với tay múc đã tới. Cũng dễ hiểu vì sao ở xứ núi non này giờ nghề khoan giếng nở rộ, dễ kiếm tiền...
*
Dưới chân các dải núi đồi là những ao hồ tự nhiên mênh mông nước giờ teo lại, chỉ còn tí nước ở rốn hồ. Ao hồ nhỏ thì trơ đáy. Những lòng hồ phút chốc hóa thành đồng cỏ. Nhưng phổ biến hơn là những lòng hồ bỗng mang hình hoang mạc, nứt nẻ lạ lùng. Và khắp nơi những dòng suối trơ lòng, lồ lộ ra những bãi đá sỏi kỳ vĩ, muốt tận. Cảnh vật chợt đẹp một cách xót xa, chỉ có ý nghĩa với bọn chụp hình nghệ thuật chứ không có chút hạnh phúc nào cho lương dân, chúng sinh.
Nước “chạy trốn” loài người. Nước ngầm trụt sâu là lời phản hồi báo ứng bình thường của rừng nguyên sinh bị cạo sạch, biến mất. Lý thuyết căn bản vĩnh cửu: nước mạch miền núi là được sinh ra từ Ea K’ha (rễ cây). Vậy thôi!
Ta “đội” cả bầu trời suốt ba tháng nay. Rừng núi ngàn triệu năm tự nhiên bị con người “thổi” bay hết cộng với cú hợp lực đá bồi của El Nino. El Nino đang trở lại tưng bừng trên khắp miền khe sâu, suối, lạch, sông, hồ, đầm lầy tự nhiên và miền cây trái đồ sộ kể từ cái mùa El Nino cháy khét năm 1997 đó. Ở miền Thượng mà có những ngày nhiệt độ nhảy múa đến 35 - 39 độ C.
Giá mà còn thảm xanh rừng nguyên sinh mênh mông thì mọi thứ bên dưới được nó che chở, đỡ thiêu da đốt thịt, đẩy mọi thứ vào bi kịch!
*
Người nông dân ngồi nhìn.
Những dải đồi nương lặng thinh mà quặn mình trong đó.
Mọi thứ đều như rên xiết.
Tôi nhìn màu của những ngọn núi kia lờ mờ cái màu không rõ xanh hay xám, bởi sự rút đi của diệp lục ở thảm thực vật, sườn núi, vực sâu. Màu tan tác hiện ra ở những vật có hình thù to rõ, như những ngọn núi kia, trong khi sự khốc liệt căng thẳng thì diễn ra trong từng kẽ lá, gốc cây, vườn rẫy. Như thể mùa nắng đang đòi lại những lòng tốt của mùa mưa. Mùa của hào phóng và mùa của ti tiện. Hiện thân của sự sinh sản và sự già nua, như sự sống và sự tàn phai, cái chết.
Đến mạch nước ngầm mà cũng trụt đi đến trên hai chục lần. Chuyện lớn thế nhưng điều nguy hiểm là thiên hạ đang nghĩ là bình thường. Một sự biến đổi cấu trúc, tận bên trong, âm sâu trong thực thể Trời và Đất.
Cư dân miền Thượng ơi, thời cuộc sống hồn nhiên, thuận lợi, dễ thở, thái hòa, sinh tồn bằng nước mặt hình như đã xa rồi!
Triết lý... “chỗ trũng”
Hệ thống kênh mương thủy lợi nào mà kiến thiết được trên khắp chập chùng đồi núi, địa hình chia cắt, bàng bạc, biến đảo, hỗn tạp này được.
Nước thì chỉ chảy về chỗ trũng.
Tôi vuốt mồ hôi trên mặt, cởi trần ra, vắt chiếc áo sũng ướt trên vai, và buộc phải luận với trời xanh...
... Rằng, giải pháp duy nhất là gìn giữ hệ thống thung lũng, vực sâu, suối, ao, hồ mà thiên nhiên đã kiến tạo qua nhiều triệu năm, là thiết lập hệ thống ao hồ tích trữ nước bền vững ở bất cứ chỗ trũng, thung lũng nào cho sự tồn tại của sinh vật và cây trồng. Và dĩ nhiên, đan xen với hệ thống trũng thấp đó là những chỏm rừng lá rộng được giữ lại để sản sinh ra nguồn nước.
Ảo tưởng chăng?
Bởi Tây Nguyên bây giờ mọi thung lũng, vực sâu đều là những hệ thống rẫy, vườn, trang trại... Người ta giao, trao, cấp sổ, cùng với một dạng đang “nóng” khác là “dự án” du lịch, bất động sản, nhà hàng, homestay... Một chiến lược quốc gia ngay từ đầu khi kiến tạo nền nông nghiệp trên xứ này cùng với việc hình thành hệ thống pháp luật lẫn đơn vị hành chánh mới đã không có bản thiết kế chiến lược cụ thể chi tiết lâu dài về một mô hình kinh tế - xã hội đặt trên nền tảng khoa học và đạo đức.
Trong tổ hợp thiên nhiên của những dải núi non gồm đỉnh núi - sườn núi đồi - chân núi - trảng sình thung lũng... đó thì vùng trũng thấp không bao giờ nên thuộc về một cá nhân nào. Thế nhưng sổ đỏ đã được cấp bất cứ chỗ nào, gần như không sót chỗ nào, bất cứ thung lũng nào.
Ở mọi nơi, khắp các tỉnh thành giờ thì hệ thống ao hồ tự nhiên phần lớn bị xé nát, gả giao, cát cứ, chiếm hữu. Nguồn nước quý báu cho sự sống muôn loài bị “tóm lấy” để phục vụ mục đích nhìn - chơi - xả xì trét ở một loài.
Mọi thứ thiên nhiên là của chung, trời đất tạo ra, hàng tỷ năm, nhưng bỗng một ngày chúng sinh mất nó đi, không còn được dùng chung nữa. Nó thành “của riêng” cho cái sổ đỏ nào lọt nó vào đó.
Hệ thống cấu trúc sông, suối, ao, hồ tự nhiên bị tan rã, phá vỡ, không còn tự do nguồn chảy, sự tích giữ nước tự nhiên của trời và đất, không có quy hoạch chiến lược cho nguồn nước. Những điều đó cộng với sự biến đổi khí hậu đã bồi thêm một nhát trí mạng vào tiềm năng đất đai, sức đề kháng, độ cường tráng, thể tạng thực chất của nền quốc nông. Một “nhân - quả” dài của một khối những vấn đề lớn ban đầu không được hoạch định một cách khoa học, chiến lược, ở mọi khía cạnh, từ cây trồng, làng mạc, thiết kế hành chính, môi trường đến bảo vệ bản sắc không gian văn hóa truyền thống miền sơn cước.
Tất cả ngẫu nhiên hình thành, rơi tự do.
Những người có trách nhiệm đã không nhìn thấu mọi thứ tận gốc rễ, căn cơ. Cũng có thể người ta không có khả năng “nhìn”!
*
Có một sự không công bằng lớn đang ẩn trong những đồi núi trùng điệp cà phê, sầu riêng, cam, bưởi, tiêu, hoa màu... sau khi rừng nguyên sinh đã “ra đi”.
Bởi, hiện thực là người từ xa nhập cư đến thường xoáy vào sở hữu chỗ đất (vị trí) nào có nguồn nước đảm bảo.
Thiểu số những nông dân ranh ma hơn, giàu hơn, nhạy bén, “chiến lược” hơn sẽ sở hữu những vị trí đất đảm bảo nguồn nước.
Những nông dân quen sống hồn nhiên, trong sáng, tin ở sự công bằng và con người, thuận theo thiên nhiên, xem nguồn nước là “của Trời” sẽ tiếp tục gặp khốn khó.
Bất cứ con sông lớn nhỏ nào giờ phần lớn cũng đã bị “đoạn” ra nhiều khúc để làm thủy điện. Mọi ao hồ tự nhiên vốn hình thành dưới tổ hợp cấu trúc đại ngàn cũng đều được cấp sổ đỏ cho cá nhân thâu tóm thành của riêng.
Mọi con suối lớn nhỏ đều cấp quyền sử dụng đất cho bất cứ cá thể nào khi mảnh đất ấy con suối có chảy qua.
Nó bị “nghiền nát”, xâm lấn, chiếm hữu bởi tầng tầng lớp lớp những cá nhân, chủ hộ có tầng tầng lớp lớp những sổ đỏ, sổ hồng.
Lẽ ra mọi con suối đều được chảy tự nhiên, thuộc về trời đất, cộng đồng, quà tặng chung của thiên nhiên, không ai được đụng vào. Được như thế thì may ra con suối mới có “cuộc đời của con suối” và “làm việc chảy nước” của nó. Nhưng tiếc thay, tầm nhìn chiến lược về các chuyện quan trọng cốt lõi trên quê hương đất nước đã không ai thấy ra, tính đến.
Lòng tham, sự bạo tàn, vô trí và tư tưởng sở hữu, vô minh địa ốc đã làm “phẳng” hết mọi chỗ trũng - nơi NƯỚC có thể tụ về.
Chờ
Những thèm muốn của con người nó cứ bao la. Bao la là luôn cơi nới, chẳng giới hạn. Sản phẩm trí não này nó hành hạ thân thể lẫn tâm trí con người vô tận, nó biến con người trở thành nô lệ của chính mình. Bởi thân thể và tâm hồn con người thực ra không cần điều đó. Như cái thân thể của ta đây, đâu cần gì lớn hơn một ngụm nước thôi lúc cần để uống.
Con người, không ăn nhiều ngày cũng còn mạng, nhưng nước thì khác. Là khi khát mà không có nước để uống thì “chết chắc”. Một ngụm nước cho người, cho cây. Sự sống được tiếp tục, duy trì.
Mọi thứ cao đạo, oai phong, hãnh diện, tự hào, thành công, thành tựu đều trở nên tào lao, vặt vãnh khi thiếu nước.
Quân vương, tỷ phú, vĩ nhân, hoa hậu, nghệ sĩ... đều là “sản phẩm” huyễn hoặc của ảo trí con người, bởi khi khát không có được một ly nước bé con bình thường để uống thì tất cả những thứ đó đều trở nên vô nghĩa. Con người có thể một ngày thiếu ăn nhưng không thể một ngày không uống nước. Cái cây cũng vậy, bởi nó là một sinh vật, thực thể sống. Thứ quyết định cho sự sống.
Ôi, nước!
Sao mà đơn giản và tha thiết!
*
Nông sản đang có giá xứng đáng. Đất đai quốc gia là tài nguyên, nhưng nước mới quyết định giá trị chốt lại của nó. Đáng nói, nước đang thách thức dân cày và đánh đố nền quốc nông.
Kịch bản quy hoạch nông nghiệp không có thì nền nông nghiệp như “chạy rông”. Thời tiết bất ổn, nguồn nước bất ổn, mùa màng bất ổn. Không có nước, không có nông nghiệp, tăng trưởng, vững chắc. Nền quốc nông bắt đầu từ đất đai và nguồn nước. Vấn đề hàng đầu cốt lõi của một quốc gia nông nghiệp là nguồn nước. Nhưng vấn đề này không nằm ở người nông dân mà ở bậc đứng đầu quốc gia, nếu họ thấy đất nước mình đang cầm lái là một quốc gia nông nghiệp và thật “nhìn thấy” nông dân.
Tham khảo thôi chứ đừng để ý con số tỷ USD thu được từ xuất khẩu nông sản hay số liệu thống kê về diện tích cây trồng.
Mà phải nhìn sát vào gốc cà phê, ca cao, sầu riêng...
Thì mới thấy cuộc đời thật diễn ra, là nó không tươi đẹp, dễ dàng, đơn giản như phép thô sơ cộng, nhân, thống kê ấy đâu.
Điều cũ rích mà ai cũng biết nhưng con người rất hay bẵng “quên” khiến vẫn cứ phải nhắc lại, rằng nước là sự sống, tạo ra và tồn tại sự sống.
Mọi giọt nước đều nằm trong sự toàn cảnh.
Mặt đất nuôi dưỡng muôn loài. Nhờ nước, nó mới làm được điều hay ho ấy.
Khi nước rút hết khỏi cơ thể, con người chỉ còn là bụi...
Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khat-43518.html