'Khát' dầu ăn ngay trên vựa dầu cọ
Tại Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ thô hàng đầu thế giới, lại đang lâm vào tình trạng người dân phải xếp hàng dài mới có thể mua được vài lít dầu ăn cho gia đình.
Nghịch lý này đang làm đảo lộn cả thị trường bán lẻ ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.
Tình trạng khan hiếm dầu ăn đã diễn ra trong suốt vài tháng qua tại Indonesia, khiến giá mặt hàng vốn rất dồi dào này tăng phi mã. Giá lên cao đến mức những người có thu nhập thấp chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu dân Indonesia đã không còn đủ khả năng mua hàng. Những người khác có điều kiện hơn thì phải xếp hàng dài để mua dầu ăn.
Hiện ở nhiều siêu thị tại Jakarta, người dân chỉ có thể tìm thấy các loại dầu ăn nhập khẩu sản xuất từ hạt cải, hướng dương và ngô với giá cao thay vì các loại dầu ăn làm từ dầu cọ như phổ biến trước đây. Thậm chí, các loại dầu ăn giờ đây được bán qua những túi đựng nylon không nhãn mác, thay vì được đóng chai hoàn chỉnh. Nguyên nhân vì các loại dầu ăn có thương hiệu với nhãn mác đầy đủ hiện đã trở thành mặt hàng “xa xỉ” và luôn trong tình trạng hết hàng trong 3 tuần qua.
Việc khan hiếm dầu ăn tại Indonesia đã ảnh hưởng tới bữa ăn từng gia đình cho tới ngành công nghiệp bán đồ ăn nhanh. Theo người đứng đầu Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) Hariyadi Sukamdani, sự thiếu hụt dầu ăn cũng đang gây ảnh hưởng đến các nhà hàng trên khắp đất nước, nơi các món ăn cần được nấu bằng dầu ăn đã bị loại khỏi thực đơn.
Đây thực sự là một nghịch lý đang xảy ra tại Indonesia do nước này là nhà sản xuất dầu cọ thô lớn nhất thế giới. Do đó về mặt lý thuyết nguồn cung nguyên liệu không phải là vấn đề nghiêm trọng dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu ăn tại Indonesia hiện nay. Mọi chuyện bắt đầu từ việc giá dầu cọ thô trên thế giới đã tăng từ 1.300 USD/tấn lên 1.600 USD/tấn trong mấy tháng gần đây. Giá dầu ăn tại Indonesia cũng tăng 40% kể từ đầu năm 2022 theo đà tăng dầu cọ thô toàn cầu.
Chính phủ Indonesia đã phải ra một quy định áp giá trần dầu ăn nhưng tình hình không được cải thiện, khi các nhà bán lẻ luôn bán cao hơn mức giá trần. Tới tháng 2/2022, Chính phủ Indonesia lại tiếp tục yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu cọ phải phân phối 20% sản lượng dầu cọ thô của mình cho thị trường trong nước theo một chính sách được gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn cung dầu cọ thô tại Indonesia luôn đầy đủ và vấn đề khan hiếm dầu ăn không nằm tại đây mà tại quy trình sản xuất và chuỗi phân phối. Cảnh sát Indonesia đã phát hiện nhiều vụ người bán hàng đang đầu cơ tích trữ dầu ăn quy mô lớn dẫn đến tình trạng trên.
Theo Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi, vì giá dầu cọ thô toàn cầu tăng vọt đã biến nhiều người thành gian lận thương mại khi đầu cơ tích trữ. Để giải quyết tận gốc, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ cho phép tăng giá bán lẻ đối với dầu ăn và hy vọng các nhà sản xuất sẽ bán sản phẩm của mình trong nước thay vì lựa chọn tích trữ đầu cơ.
Các chuyên gia dự đoán tình trạng thiếu hụt dầu ăn tại Indonesia sẽ được bình ổn trong vài tuần nữa. Tình huống này cũng cho thấy, nếu không được giải quyết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với nhu cầu người dân và diễn biến trên thị trường quốc tế thì sự khan hiếm sẽ không chỉ xảy ra với dầu ăn mà ngay cả với xăng dầu thông thường.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/khat-dau-an-ngay-tren-vua-dau-co-gNJoNmy7R.html