Khát vốn, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng xanh

Tín dụng xanh có nhiều dư địa tăng trưởng nhưng còn nhiều điểm nghẽn chưa được khơi thông cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Chủ trương phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái với kỳ vọng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp, DEEP C được hướng dẫn để nộp hồ sơ xin vốn ưu đãi lãi suất khoảng 3%.

Tuy nhiên, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững DEEP C, cho biết, ngoài 3% lãi suất, doanh nghiệp còn phải trả 3% phí bảo lãnh ngân hàng và vài chục nghìn USD phí xử lý hồ sơ. Tổng kết lại, chi phí bỏ ra thậm chí còn cao hơn vay thương mại thông thường.

Trước đó, khu công nghiệp DEEP C cũng tiếp cận Ngân hàng Thế giới để nhận hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái nhưng nhận được câu trả lời là “không cấp vốn cho dự án quy mô dưới 30 triệu USD”.

Phía DEEP C cũng không thể nâng quy mô dự án bởi khi đăng ký dự án điện mặt trời áp mái, UBND TP Hải Phòng không chấp thuận đề xuất 100MW bởi cả thành phố chỉ được quy hoạch hơn 100MW, phải chừa phần để chia sẻ cho các khu công nghiệp khác.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết nửa đầu năm 2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 637 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này cho thấy, thị trường tài chính xanh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, ngay cả một đơn vị lớn, có kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế và đầu tư một cách bài bản như DEEP C cũng gặp khó trong tiếp cận tín dụng xanh, chưa nói đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án khởi nghiệp.

Theo ông Lê Hoàng Lân, chuyên viên chính Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện vẫn chưa có quy định, định nghĩa cũng như tiêu chuẩn chung thống nhất về danh mục các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh.

Các tổ chức tín dụng khó lựa chọn, thẩm định, đánh giá các dự án xanh do chưa có căn cứ thống nhất, lại phải đối diện với rủi ro khi các dự án thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư tương đối cao.

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp mới bắt đầu đi những bước chuyển đổi đầu tiên và khung pháp lý, chính sách về kinh tế xanh vẫn chưa được hoàn thiện. Cho vay các dự án xanh trong bối cảnh này có thể dẫn đến rủi ro thua lỗ, không thể hoàn vốn.

Một khoảng trống khác là hệ thống văn bản chính sách mới chú trọng đến môi trường, bỏ quên đi yếu tố xã hội và quản trị, trong khi đây là hai hợp phần đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững, ảnh hưởng đến tiềm năng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Khó khăn khiến một số doanh nghiệp không quá mặn mà tiếp cận tín dụng xanh như Dogreen. Chuyên về xử lý chất thải ứng dụng công nghệ cao, Dogreen cho biết luôn tính toán tiềm năng hoàn vốn và sinh lời trong điều kiện không có ưu đãi gì về tín dụng khi triển khai các dự án.

“Một số dự án xanh không triển khai được do “đếm cua trong lỗ”, tính toán tiềm năng hoàn vốn và sinh lời dựa trên cơ hội tài chính khó tiếp cận”, ông Nguyễn Khánh Nam, CEO Dogreen nói với TheLEADER.

Về phía DEEP C, vay vốn thương mại là giải pháp tín dụng nhằm triển khai dự án chuyển đổi xanh khi tiếp cận tín dụng xanh còn nhiều cản trở.

Dù vậy, theo ông Quan Đức Hoàng Chủ tịch Quỹ đầu tư A+, thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, bởi nhiều tổ chức tài chính quốc tế đang sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào các dự án giảm phát thải, phát triển bền vững.

Ông Hoàng khuyến cáo, doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu cũng như lộ trình của mình, qua đó tìm hiểu kỹ, lựa chọn và xác định tiêu chí đầu tư, vay vốn của các quỹ, tổ chức tín dụng trước khi hợp tác. Trong đó, bên cạnh tiêu chí xanh, còn phải đảm bảo cả tiêu chí lợi nhuận, điều cốt lõi trong kinh doanh.

“Doanh nghiệp cần đảm bảo dự án có thể đem lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững”, ông Hoàng nói.

Từ phía một doanh nghiệp đã tiếp cận thành công tín dụng xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính PAN Group, cho biết, doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững và đặc biệt là quản trị bền vững để đáp ứng điều kiện tiếp nhận tín dụng xanh.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/khat-von-doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-tin-dung-xanh-d37520.html