Khát vọng đột phá
Khánh Hòa đang bước vào một chặng đường phát triển mới với khát vọng lớn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Hành trình này không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ cơ sở hạ tầng hay thu hút đầu tư, mà còn là quá trình tái cấu trúc toàn diện về nguồn nhân lực, y tế, khoa học - công nghệ, cũng như xây dựng đô thị thông minh, phát triển xanh và liên kết vùng bền vững.

Một cánh đồng điện gió tại phía Nam tỉnh Khánh Hòa.
4 trụ cột chiến lược
Ngày 14/7, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025 - 2030, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của địa phương trong giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, mục tiêu hàng đầu được đặt ra là đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 - một trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiện đại bậc nhất khu vực duyên hải Nam Trung bộ.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hai con số trong suốt giai đoạn 2025 - 2030 là hoàn toàn khả thi nếu tỉnh tập trung vào các đột phá chiến lược. Đến năm 2030, Khánh Hòa không chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất cả nước, mà nhân dân còn có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.
Theo nghị quyết trên, Khánh Hòa đặt ra những mục tiêu phát triển đầy tham vọng, trong đó nổi bật là chỉ tiêu kinh tế số đóng góp 35% vào GRDP; phấn đấu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), mức độ hài lòng của người dân (SIPAS), đổi mới sáng tạo (PII) và chuyển đổi số (DTI). Để hiện thực hóa khát vọng này, tỉnh xác định 4 trụ cột chiến lược gồm: công nghiệp - năng lượng - du lịch, dịch vụ - đô thị, xây dựng, kết hợp với chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ vai trò là “thủ phủ” năng lượng tái tạo của cả nước với nhiều dự án điện mặt trời và điện gió quy mô lớn, Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, việc quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh này có thể trở thành mắt xích chiến lược, giúp Khánh Hòa đóng vai trò trung tâm trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. “Trong kỷ nguyên cạnh tranh địa kinh tế và chuyển dịch năng lượng toàn cầu, năng lượng không còn đơn thuần là đầu vào sản xuất, mà đã trở thành trụ cột quyết định vị thế quốc gia. Nếu Khánh Hòa có tầm nhìn đủ xa, thể chế đủ linh hoạt và quyết tâm đủ lớn, hoàn toàn có thể trở thành “điểm neo chiến lược” trên bản đồ năng lượng quốc gia, khu vực và toàn cầu”, ông Long nhận định.
Nhưng ông Long cũng lưu ý, để hiện thực hóa tiềm năng đó, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng hành lang thể chế đặc thù, minh bạch và hiện đại nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thu hút dòng vốn dài hạn và kích hoạt các hiệu ứng lan tỏa về đầu tư, việc làm, công nghệ cao. Đây không chỉ là nhu cầu cấp thiết của tỉnh, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Sỹ Thân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho rằng, khu vực phía Nam Khánh Hòa đã và đang biến những điều kiện địa lý tưởng chừng bất lợi thành lợi thế trong phát triển năng lượng. Tỉnh đang khai thác hiệu quả các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, thủy điện tích năng, LNG và cả điện hạt nhân trong tương lai. “Khánh Hòa cần tận dụng triệt để các kết quả đã đạt được trong quá trình chuẩn bị cho các dự án điện hạt nhân trước đây, để từng bước xây dựng địa phương trở thành trung tâm năng lượng sạch lớn nhất cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà và đóng góp cho an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thân nói.

Khánh Hòa sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước với gần 500km.
Các trục phát triển, cực tăng trưởng
Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng, hoàn thiện hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xử lý dứt điểm các dự án treo, tồn đọng kéo dài. Đồng thời, tỉnh kiên quyết đổi mới tư duy và cách làm trong đầu tư công - ưu tiên hiệu quả, cắt giảm chi thường xuyên, tái cơ cấu ngân sách theo hướng linh hoạt và phát triển.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh đang ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng chiến lược như: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tuyến ven biển Vạn Lương - Ninh Hòa, đường liên vùng Diên Khánh… nhằm tạo vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân và khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, Sở Tài chính Khánh Hòa đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và định hướng phân bổ vốn theo nguyên tắc minh bạch, đúng trọng tâm, đúng mục tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D) và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Theo ông Lê Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, tỉnh đang định hình các trung tâm logistics tại các vị trí chiến lược như sân bay Cam Ranh, Thành Sơn cùng các cảng biển lớn gồm Vân Phong, Cam Ranh và Cà Ná. Việc phát triển các trung tâm logistics này nhằm tối ưu chuỗi cung ứng, đưa Khánh Hòa trở thành đầu mối giao thương quan trọng của khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh định hướng phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp và du lịch dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, kết nối trực tiếp với cảng biển và sân bay.
“Đây sẽ là những cực tăng trưởng mới, có khả năng tiếp cận thuận lợi và tạo động lực lan tỏa cho toàn vùng. Ngoài ra, Khánh Hòa đang tích cực đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông minh, ứng dụng công nghệ giao thông tiên tiến (ITS), đồng thời số hóa quy hoạch nhằm tối ưu hóa luồng giao thông và nâng cao hiệu quả vận hành toàn diện của hệ thống hạ tầng”, ông Tiến nói.
Về chiến lược phát triển không gian, ông Tiến cho biết, tỉnh Khánh Hòa lựa chọn mô hình phát triển đa cực, đa hành lang, với các trục phát triển và cực tăng trưởng được xác định rõ ràng. Nha Trang sẽ là trung tâm hành chính, kinh tế, du lịch - dịch vụ chất lượng cao, phát triển theo hướng xanh, hiện đại và thông minh. Cam Lâm được định vị là đô thị sân bay quốc tế, gắn với dịch vụ hàng không, logistics và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Vân Phong sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng và du lịch sinh thái. Riêng Phan Rang - Tháp Chàm sẽ là trung tâm kinh tế tổng hợp khu vực, nổi bật với năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch văn hóa - sinh thái.
“Ðây là thời điểm để hệ thống chính trị tỉnh hành động đồng bộ, quyết liệt và có tổ chức - biến cải cách hành chính thành động lực tăng trưởng mới, là nền tảng để Khánh Hòa không chỉ trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hình mẫu về phát triển hiện đại, văn minh, hiệu quả trong thực tiễn quản trị công”.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định, Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ lịch sử để bứt phá, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, yếu tố quyết định không nằm ở danh nghĩa hành chính, mà ở năng lực quản trị công thực chất, đòi hỏi một nền hành chính hiện đại, linh hoạt, có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh chiến lược.
Theo PGS Bắc, quản trị nhà nước hiện đại chính là trụ cột để bảo đảm hiệu lực điều hành, hiệu quả dịch vụ công, tính minh bạch và sự hài lòng của người dân - đây cũng là thước đo để Khánh Hòa xây dựng một chính quyền phục vụ, năng động, sáng tạo. Dù tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong các chỉ số như PAR (Cải cách hành chính), SIPAS (Sự hài lòng của người dân), hay PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công), nhưng vẫn cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào thể chế đặc thù, chính quyền số, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, đồng thời hoàn thiện cơ chế giám sát minh bạch.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khẳng định, việc mở rộng không gian phát triển sau khi hợp nhất các đơn vị hành chính không chỉ mang lại lợi thế địa chính trị, mà còn mở ra những cơ hội to lớn để Khánh Hòa vươn mình mạnh mẽ. Nhưng để hiện thực hóa tiềm năng ấy, tỉnh cần một tư duy mới, tầm nhìn đột phá và hành động quyết liệt nhằm chuyển hóa lợi thế thành nguồn lực phát triển, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở tăng trưởng. “Khánh Hòa đang bước vào một thập niên chiến lược - giai đoạn bản lề để định vị lại vị thế, mục tiêu là vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước”, ông Thành nhấn mạnh.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khat-vong-dot-pha-post1762964.tpo