Khát vọng từ một chiếc cầu
Đại diện chủ bến phà Lái Mai - Cầu Hàn cho biết, chiếc phà đã kết thúc vai trò của nó sau hơn 10 năm hoạt động. Dù không còn làm nghề, ông cũng như người lao động ở bến phà đều phấn khởi trước sự phát triển của địa phương
Cầu An Phước
Ngày 17.3, UBND tỉnh tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu An Phước kết nối 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng với trung tâm Thị xã. Ngành GTVT tỉnh đã có lời tri ân đến tập thể người lao động bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn. Việc bến khách ngang sông (phà Lái Mai - Cầu Hàn) ngừng hoạt động là điều tất yếu, nhưng những đóng góp của các chuyến phà cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của 3 xã cánh Tây (nay là 2 xã cánh Tây) thị xã Trảng Bàng là điều đáng ghi nhận.
Hơn 10 năm đồng hành cùng người dân các xã cánh Tây
Bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn trước đây là bến dân sinh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ven sông Vàm Cỏ Đông ở khu vực ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ và ấp An Thới, xã An Hòa, thuộc huyện Trảng Bàng. Nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ ngày càng lớn, tháng 12.2010, UBND huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) tổ chức đấu thầu “Dự án đầu tư và khai thác bến phà Lái Mai - Cầu Hàn, Khu công nghiệp Bourbon An Hòa (nay là KCN Thành Thành Công)”. Bà Cao Hồng Hiệp, có địa chỉ tại ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng trúng thầu.
Tháng 3.2011, trên cơ sở trúng thầu dự án phà Lái Mai - Cầu Hàn, bà Cao Hồng Hiệp làm đơn đề nghị chấp thuận mở bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn tại vị trí trên sông Vàm Cỏ Đông, bờ phải thuộc địa phận ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ và bờ trái thuộc ấp An Thới, xã An Hòa (nay là phường An Hòa), và được Sở GTVT chấp thuận chủ trương xây dựng bến khách ngang sông theo quy định.
Tháng 8.2011, sau khi hoàn thành các hạng mục đầu tư và xây dựng bến khách ngang sông theo quy định, phà Lái Mai - Cầu Hàn được Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động lần đầu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ.
Hơn 10 năm kể từ khi được Sở GTVT cấp phép hoạt động, theo Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh, bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn luôn hoạt động đúng quy định về giao thông đường thủy nội địa. Phương tiện chở khách qua sông được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ; người lái có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phương tiện được trang bị áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chưa xảy ra tai nạn nào trong quá trình hoạt động.
Theo chính quyền 2 xã cánh Tây, hoạt động của bến phà đã đóng góp rất lớn trong công tác vận chuyển hành khách qua sông, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Phà Lái Mai - Cầu Hàn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần kết nối, đẩy mạnh giao lưu, học tập cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân các xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng.
Chiếc cầu của hành trình đổi mới
Khi cầu An Phước được đưa vào vận hành phục vụ người dân, phà Lái Mai - Cầu Hàn chính thức khép lại “vai trò lịch sử”. Đại diện chủ bến phà Lái Mai - Cầu Hàn cho biết, chiếc phà đã kết thúc vai trò của nó sau hơn 10 năm hoạt động. Dù không còn làm nghề, ông cũng như người lao động ở bến phà đều phấn khởi trước sự phát triển của địa phương. Việc xây dựng cầu để thay thế phà là điều tất yếu. Do đó, ông và người dân 2 xã cánh Tây kỳ vọng cây cầu An Phước sẽ mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho địa phương.
Phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật, ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, mong muốn có chiếc cầu nối liền hai bờ sông Vàm Cỏ là mơ ước của bao thế hệ người dân sinh sống tại 2 xã cánh Tây. Được sự quan tâm của tỉnh, cầu An Phước đã hình thành, nối liền các xã cánh Tây với trung tâm thị xã Trảng Bàng. Đây là bước đột phá quan trọng trong việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thị xã Trảng Bàng. Cùng với tuyến đường 786, đường An Thạnh - Trà Cao sẽ là trục phát triển chính, không chỉ phục vụ sự đi lại của người dân mà còn phá vỡ thế “độc đạo” kìm hãm sự phát triển của các xã cánh Tây trong nhiều năm qua.
Theo ông Trần Minh Tâm, cầu An Phước chính thức hoạt động sẽ mang lại nhiều tiềm năng, lợi thế của khu vực này, đặc biệt là lợi thế về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại biên giới. Công tác thu hút và mở rộng các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh, nhất là ngành khai thác, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại dịch vụ ven sông Vàm Cỏ Đông. Cầu An Phước đã hiện thực hóa ước mơ kết nối đôi bờ, mang đến ước mơ và hoài bão phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khat-vong-tu-mot-chiec-cau-a143214.html