Khát vọng vươn tầm quốc tế

Mở rộng không gian, chỉnh trang đô thị, xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, mang tầm quốc tế đặc sắc... là khát vọng của người dân và các thế hệ lãnh đạo thành phố Đà Lạt, cũng như tỉnh Lâm Đồng.

Để vươn tầm quốc tế, Đà Lạt phải phát triển hệ thống rừng phòng hộ cảnh quan, hồ, sông, suối... tạo nên một đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”

Để vươn tầm quốc tế, Đà Lạt phải phát triển hệ thống rừng phòng hộ cảnh quan, hồ, sông, suối... tạo nên một đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”

TIỀM NĂNG MỞ LỐI

Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao trung bình 1.500 mét so với mực nước biển, Đà Lạt quanh năm có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 18-20oC. Nhờ có khí hậu ôn hòa, Đà Lạt trở thành vùng sản xuất các loại rau, hoa, cây đặc sản và cây trồng á nhiệt đới có giá trị lớn của cả nước. Cùng với việc phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, thành phố đã đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 6.730 ha, chiếm 62,9% diện tích đất canh tác. Đà Lạt còn có các hồ chứa nước lớn, vừa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho nông nghiệp, vừa là hồ cảnh quan, tạo môi trường sinh thái trong lành cho thành phố.

Toàn thành phố hiện có 22 khu, điểm du lịch, với hơn 20 công trình tham quan kiến trúc tôn giáo, danh lam thắng cảnh và 24 điểm du lịch canh nông... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tham quan và tổ chức các sự kiện trên địa bàn. Các loại hình du lịch tại Đà Lạt khá phong phú, đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo. Đà Lạt cũng là thành phố duy nhất của Việt Nam được công nhận là “Thành phố Festival Hoa”, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.

Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,2% (hơn 24.350 ha đất rừng), Đà Lạt được mệnh danh là “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Các yếu tố tự nhiên của Đà Lạt đã kiến tạo, hình thành nhiều sinh cảnh đặc trưng, đa dạng với các kiểu rừng khác nhau và hệ động, thực vật đặc thù với hơn 3.000 loài thực vật cùng nhiều loài động vật phong phú. Đặc biệt, Đà Lạt nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang được tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận ngày 9/6/2015.

Bên cạnh người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên (chủ yếu là dân tộc K’Ho), với sự chuyển dịch dân cư của các vùng trong cả nước, hiện nay Đà Lạt có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, đã tạo nên một nét văn hóa riêng vừa phong phú, đa dạng vừa mang tính truyền thống và hiện đại, là sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc bản địa với văn hóa các vùng miền tạo nên một nền văn hóa Đà Lạt giàu bản sắc, không bị trùng lắp với bất kỳ địa phương nào khác.

GẮN PHÁT TRIỂN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo Đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Lạt sẽ có một đô thị trung tâm là không gian đô thị kết hợp cả khu nhà ở, các vùng sản xuất nông nghiệp nội đô, hệ thống rừng phòng hộ cảnh quan, hồ, sông, suối... tạo nên một đô thị “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” và hệ thống đô thị vệ tinh, đối trọng. Tuy đây không phải là ý tưởng mới, song đồ án cho thấy một quan điểm chủ đạo, xuyên suốt gắn việc phát triển đô thị Đà Lạt trên nền tảng xây dựng môi trường bền vững. Nhiệm vụ này đã và đang được Nhân dân và chính quyền thành phố thực thi.

Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, những năm gần đây, Nhân dân và chính quyền thành phố Đà Lạt đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Hiện, thành phố đang tích cực triển khai xây dựng Làng Đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, thực hiện Đề án “Tăng trưởng xanh”, Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025...

Đà Lạt có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất thiết kế 12.400 m3/ngày, đảm bảo thu gom và xử lý được khoảng 60% tổng lượng nước thải phát sinh nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm nguồn nước của các suối, hồ trên địa bàn; và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Xuân Trường xử lý được 200 tấn/ngày, đã thu gom và xử lý 90% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại thành phố, đồng thời tận dụng nguồn rác hữu cơ để tái chế làm phân compost, đáp ứng nhu cầu phân bón cho chính vùng canh tác nông nghiệp thành phố. Từ khi 2 nhà máy xử lý chất thải đi vào hoạt động, bước đầu đã nâng cao chất lượng môi trường sống tại thành phố, mức độ ô nhiễm ở các hồ, thác giảm đáng kể, hạn chế việc ô nhiễm đất do chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh... Đây là tín hiệu rất đáng mừng, tạo động lực để thành phố Đà Lạt tiếp tục nâng cấp và mở rộng các dự án xử lý chất thải.

Bên cạnh công tác xử lý chất thải nói chung, thành phố cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân; hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại gia đình, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường; tổ chức các chương trình đổi chất thải lấy quà tặng, các hoạt động, phong trào hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày làm cho thế giới sạch hơn... Mặt khác, thành phố luôn chú trọng việc duy trì hiện trạng rừng bao quanh thành phố cũng như xây dựng thêm các công viên hoa, cây xanh, các mảng xanh đường phố và dự kiến đến năm 2025 sẽ trồng thêm 3,8 triệu cây xanh nhằm tạo môi trường không khí trong lành.

Với những nỗ lực đó, chất lượng môi trường thành phố không ngừng được cải thiện, nâng cao và nhất là chất lượng môi trường nước, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố “Xanh - Sạch - Đẹp” và phát triển bền vững về môi trường. Chúng ta còn nhớ, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 15 diễn ra tại Brunei vào tháng 9/2017, Đà Lạt là thành phố đại diện cho Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN. Đây là một phần thưởng xứng đáng, một sự ghi nhận kịp thời, góp phần cổ vũ, động viên Nhân dân và chính quyền trong tiến trình xây dựng thành phố Đà Lạt vươn tầm quốc tế.

Gần 130 năm hình thành và phát triển, bên cạnh các công trình kiến trúc đa dạng, các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng; được sự ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, địa hình cùng với phong cách con người Đà Lạt “thanh lịch, hiền hòa, mến khách”; giao thông tương đối thuận lợi; thành phố Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút trung bình 5-6 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm.

TỨ KIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202202/khat-vong-vuon-tam-quoc-te-3101742/