Khe cửa hẹp cho doanh nghiệp phòng sạch trong nước
Tiềm năng là rất lớn, song hoạt động của các doanh nghiệp phòng sạch tại Việt Nam vẫn rất nhỏ lẻ, rời rạc, phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung và phân phối máy móc, thiết bị của nước ngoài.
Dù mới xuất hiện một thời gian ngắn, nhưng ngành phòng sạch đã và đang ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình, trở thành xu thế tất yếu của việc xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
Hiểu một cách đơn giản, phòng sạch là môi trường mà các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, không khí được kiểm soát ở mức độ thích hợp. Nhờ đó, nó có thể hạn chế tối đa những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Phòng sạch là một trong những nền tảng quan trọng, tạo ra môi trường sạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, phòng sạch là một phần không thể thiếu trong nhà máy của các ngành công nghệ cao như công nghệ bán dẫn, điện tử, công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, y tế.
Tùy mỗi lĩnh vực sản xuất sẽ có yêu cầu về phòng sạch khác nhau. Ví dụ, trong ngành công nghiệp điện tử, đây là lĩnh vực được yêu cầu phòng sạch phổ biến, khắt khe. Để có thể ứng dụng trong sản xuất chip, vi mạch yêu cầu độ an toàn chính xác cao, chỉ một hạt bụi nhỏ cũng có thể khiến con chip bị hỏng. Nhiệt độ môi trường cũng cần được điều chỉnh ổn định và khả năng chống tĩnh điện trong phòng sạch cần được bảo đảm.
Hay trong ngành chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất và tất cả quy trình đóng gói cần được đảm bảo đúng tiêu chuẩn sạch để sản phẩm an toàn cho người sử dụng, giúp kéo dài thời gian bảo quản.
Cùng với yêu cầu ngày càng cao của quá trình sản xuất, tiềm năng phát triển của lĩnh vực phòng sạch tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, đại dịch ập đến càng cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của "chuỗi lạnh", phòng sạch và nhà máy công nghệ cao trong bảo quản thực phẩm, vaccine, thuốc, thiết bị y tế...
Mặt khác, thời gian gần đây, Việt Nam nói nhiều đến cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, song ít ai biết rằng, muốn chuyển đổi số phải có hạ tầng công nghệ, máy, thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, trung tâm dữ liệu.
Vốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam giảm 82%
Trong đó, để các hạ tầng công nghê này hoạt động và vận hành, bắt buộc phải có phòng sạch, phòng lạnh. Đây là xu hướng tất yếu sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhu cầu ứng dụng phòng sạch vào sản xuất được áp dụng ngày càng rộng rãi cũng là lý do khiến ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ và đầu tư Intech nhìn nhận rằng, cơ hội cho các doanh nghiệp ngành phòng sạch là rất lớn.
Hiện tại, ngành lạnh, điều hòa không khí nói chung và phòng sạch nói riêng đang rất lớn, sức tiêu thụ năng lượng rất cao, có mặt hầu hết trong các công trình, nhà máy, khu công nghiệp.
Ông Thắng tính toán, chi phí đầu tư cho phòng sạch thông thường chiếm tới 20% tổng chi phí đầu tư của một dự án, khu công nghiệp. Đây chính là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Thua trên sân nhà
Cơ hội lớn nhưng theo ông Thắng, hiện hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị, cung cấp, xây lắp nhà máy và thi công phòng sạch tại Việt Nam vẫn đang rất nhỏ lẻ, rời rạc. Phần lớn các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn cung, nhập khẩu máy móc thiết bị của nước ngoài và làm công việc liên quan đến phân phối, lắp đặt.
Nguyên nhân được vị lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ ra là do, dù là lĩnh vực đã phát triển từ lâu trên thế giới, nhưng với các doanh nghiệp trong nước, phòng sạch là lĩnh vực mới xuất hiện trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành phòng sạch Việt Nam còn yếu về nguồn lực, vốn, khoa học kỹ thuật, dẫn đến rất khó cạnh trạnh được với các doanh nghiệp của nước ngoài vốn rất mạnh về mọi mặt, đặc biệt là trong việc cạnh tranh để thi công các dự án xây lắp nhà máy và phòng sạch cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp này thường ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp thi công phòng sạch của nước họ hoặc đơn vị quốc tế.
Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp ngành phòng sạch trong nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, Chủ tịch Intech cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các chương trình, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là một "sân chơi" giúp kết nối các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, cùng liên kết với nhau, tạo thành chuỗi cung ứng, trao đổi về chuyên môn, hợp tác các cơ hội, cùng phát triển.
Mặt khác, những chương trình xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng rất cần được Chính phủ, các địa phương hỗ trợ thực hiện, nhằm giúp các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Nhờ đó, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào các dự án đấu thầu, cạnh tranh được với các doanh nghiệp phòng sạch của nước ngoài.
Cũng theo ông Thắng, hiện Việt Nam vẫn còn rất thiếu các phòng kiểm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần Chính phủ, các bộ ngành quan tâm đúng mức tới lĩnh vực này để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm.
Về phía các doanh nghiệp, là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị, cung cấp, xây lắp nhà máy và thi công phòng sạch tại Việt Nam từ những ngày đầu, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp cần không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần cùng nhau liên kết lại, tạo sức mạnh, cùng trao đổi hỗ trợ, phát triển cơ hội kinh doanh, từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực cực kỳ lớn này.
Nếu như trước đây, hoạt động thi công và công nghệ phòng sạch hầu như rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài với chi phí cao, việc tiếp cận của doanh nghiệp trong nước chưa nhiều, thì với sự dần lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, họ đang tham gia tích cực vào việc thi công xây lắp các dự án vừa và nhỏ.
Trong tương lai, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể để tham gia vào các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài với chất lượng sản phẩm đảm bảo và chi phí cạnh tranh hơn nhiều, ông Thắng tin tưởng.