Khe Táu hiện thực hóa giấc mơ 'cao ngang núi'
Những mái nhà ẩn hiện trong sương, bao quanh là trùng điệp núi và ruộng bậc thang xanh ngắt, khiến thôn Khe Táu (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) yên bình như một miền cổ tích. 92 hộ dân Khe Táu đang bước ra khỏi đói nghèo, hủ tục lạc hậu để phát triển kinh tế, làm du lịch cộng đồng. Trên hành trình gian khó ấy, Bí thư Chi bộ Lù A Dờ luôn vững vàng dẫn dắt bà con mở đường, khai khẩn ruộng bậc thang, làm du lịch... để hiện thực hóa giấc mơ 'cao hơn núi' ở Khe Táu.

Bí thư Lù A Dờ hướng dẫn bà con trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.
Bí thư Chi bộ thôn trẻ tuổi, dám nghĩ dám làm
Ở xã Phong Dụ Thượng, Khe Táu là thôn đặc biệt khó khăn, nằm ở thượng nguồn sông Ngòi Hút. Nơi đây tập trung 100% đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống. Với người H'Mông, vai trò của người lớn tuổi rất quan trọng, đặc biệt là bậc già làng.
Ấy vậy mà, từ 13 năm trước (năm 2012), chàng trai trẻ Lù A Dờ (lúc ấy vừa tròn 28 tuổi) đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Theo ông Lương Văn Thu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, địa bàn thôn Khe Táu thời ấy phức tạp lắm, Đảng ủy xã từng cử cán bộ về làm bí thư chi bộ thôn, nhưng không hiệu quả. Phần vì cán bộ không biết tiếng H'Mông nên có muốn tuyên truyền, triển khai chính sách cho bà con cũng khó.
Sau nhiều cuộc họp, Đảng ủy xã quyết định đặt niềm tin vào đồng chí Lù A Dờ, khi ấy đang là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn. Lù A Dờ vừa là người H'Mông am hiểu địa bàn, lại nhiệt tình, xông xáo, có nhiều sáng kiến trong công việc. Và qua thời gian, chứng tỏ niềm tin ấy đã đúng.
Trở thành Bí thư chi bộ thôn, Lù A Dờ phải đối mặt với nhiều nghi ngại của bà con. “Khe Táu vốn dĩ là bản tái định cư với 17 hộ dân di cư từ xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải sang. Đến năm 2000, thôn Khe Táu mới chính thức được thành lập.
Bản thì nghèo, hủ tục đeo đẳng, ruộng nương không có. Cuộc sống bà con lúc ấy khó khăn lắm. Tôi chỉ có thể quyết tâm dùng hành động thực tế để chứng minh năng lực của mình”, anh Lù A Dờ nhớ lại.

"Nhóm tự quản" sâu sát với từng vấn đề của mỗi gia đình trong thôn, bản.
Nói là làm, việc đầu tiên Bí thư Dờ thực hiện là tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, tảo hôn vốn rất nặng nề trong đời sống người H'Mông. Đây là nhiệm vụ rất khó, vì người dân không thể thay đổi ngay trong “một sớm một chiều”. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, Lù A Dờ quyết định xin ý kiến Đảng ủy xã cho phép thành lập mô hình “Nhóm tự quản”.
Ban tự quản được các hộ dân bầu ra, bao gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng xóm, Công an viên và già làng. Thôn Khe Táu có 92 hộ gia đình, nên mỗi thành viên Ban tự quản được phân chia phụ trách một số hộ. Từ đó việc vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục cũng như kịp thời ngăn chặn, giải quyết các vấn đề khúc mắc, mâu thuẫn trong bản diễn ra thuận lợi.
Gia đình anh Lù A Chùa là một trong những hộ có kinh tế vững ở thôn Khe Táu. Cặp vợ chồng trẻ nhờ chịu khó làm ăn, lại thường xuyên được lãnh đạo thôn giúp đỡ, giới thiệu các mô hình nuôi trồng phù hợp, nên cuộc sống ngày một khấm khá.
Anh Chùa vẫn nhớ như in: “Ngày ấy, gia đình bên vợ thách cưới đến 40 triệu đồng. Với một người nghèo như tôi thì lấy đâu ra số tiền đó, chỉ còn cách vay mượn thôi. Rất may, anh Dờ đã đến tận nhà gái, kiên trì khuyên nhủ, giảm bớt gánh nặng của khoản tiền thách cưới. Từ đó, tôi mới lấy được vợ, cũng không phải lo nợ nần mà yên tâm làm ăn. Biết ơn anh Dờ lắm”.
Cứ như vậy, những năm qua, thôn Khe Táu đã giảm đáng kể tỷ lệ tảo hôn và sinh con thứ ba. Tình trạng trộm cắp, nghiện ma túy không còn. Các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang cũng dần được xóa bỏ. Và mô hình “Nhóm tự quản” đã trở thành một điển hình trong thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
13 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu, điều trăn trở nhất của anh Lù A Dờ chính là phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo. Là người H'Mông, từng sinh sống ở Mù Cang Chải – nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất nhì Việt Nam, nên anh Dờ cũng đau đáu muốn tạo nên “kỳ quan” nơi thôn bản.
“Có ruộng bậc thang, bà con sẽ làm được lúa nước, năng suất cao hơn so với làm lúa nương hay trồng ngô, sắn trên rẫy. Nhưng vận động thế nào bà con cũng không nghe. Vậy là gia đình tôi phải làm trước để chứng minh cho bà con. Sau hơn ba tháng, cây lúa nước cho thu hoạch. Khi tận mắt thấy hiệu quả, bà con mới bắt đầu khai hoang, dẫn nước về cấy lúa”, Bí thư Lù A Dờ nhớ lại.
Với sự cần mẫn, chịu khó, 92 hộ đồng bào H'Mông thôn Khe Táu, dưới sự dẫn dắt của Bí thư Dờ đã cùng nhau khai hoang thành công gần 27 ha, tạo nên một quần thể ruộng bậc thang kỳ vĩ. Hiện nay, mỗi năm, bà con đều có thể gieo trồng hai vụ lúa, thu nhập bình quân đạt 52 tạ/ha. Cuộc sống cũng nhờ đó mà ổn định hơn.
Thế nhưng, ruộng có rồi mà đường đi lại quá khó khăn.
Dù là người H'Mông, sinh ra đã quen trèo đèo, lội suối, nhưng tới vụ thu hoạch, để “cõng” được lúa về nhà cũng là vấn đề nan giải. “Tôi nhớ ngày ấy, anh Dờ đi khắp bản vận động bà con hiến đất làm đường. Lúc đầu gia đình tôi không đồng ý, nhưng anh Dờ kiên trì phân tích từng cái được, cái mất. Cuối cùng nghĩ tới ngày có thể phóng xe máy lên tận ruộng bậc thang chở lúa về nhà, gia đình tôi đồng ý. Và vui nhất là bây giờ điều ấy đã thành hiện thực”, anh Tráng A Súa, người dân trong thôn chia sẻ.
Khi ruộng bậc thang Khe Táu thành điểm du lịch hấp dẫn
Giờ đây, nhìn khu ruộng bậc thang ở Khe Táu trải dài khắp các triền đồi, bà con trong bản ai cũng vui.
Với Bí thư Chi bộ Lù A Dờ, niềm vui ấy như được nhân lên nhiều lần, khi xã Phong Dụ Thượng đang xây dựng nơi này thành một trong những điểm du lịch của địa phương.

Anh Dờ cùng nhiều hộ trong thôn mở con đường đất từ các xóm lên lưng chừng ruộng bậc thang.
Năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng nặng do bão lũ, nhưng Phong Dụ Thượng vẫn đón trên 15.000 lượt du khách thông qua sự kiện ra mắt sản phẩm du lịch xanh thôn Khe Táu.
Tới đây, ngoài chiêm ngưỡng quần thể ruộng bậc thang rộng gần 50ha trên độ cao khoảng 1.100 mét so với mực nước biển, du khách còn có thể trải nghiệm tắm suối nước nóng thôn Cao Sơn, ngắm thác Khe Ban, Khe Mạng và tham dự các lễ hội đặc sắc của đồng bào H'Mông.

Bí thư Chi bộ Lù A Dờ và các "công trình" ruộng bậc thang phát triển kinh tế và thu hút du lịch.
“Du lịch sẽ là tương lai của thôn Khe Táu. Chúng tôi có bản làng yên bình, khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Những kết quả bước đầu, được bà con, du khách, cấp trên nhiệt liệt ủng hộ, chúng tôi rất mừng. Đó sẽ là động lực để tiến tới thành công hơn trong tương lai”, Bí thư Chi bộ Lù A Dờ cho biết.
Để chuẩn bị cho hành trình phát triển du lịch, bà con trong thôn đã đồng lòng gìn giữ, bồi đắp cảnh quan thiên nhiên, chỉnh trang đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Mỗi ngày một chút, nhờ đó mà thôn Khe Táu đang dần “thay da đổi thịt”.
“Không có ngọn núi nào cao bằng đầu gối của người H'Mông”, nhắc lại câu tục ngữ của đồng bào nơi đây, Bí thư Chi bộ Lù A Dờ một lần nữa bày tỏ quyết tâm cùng bà con người H'Mông ở Khe Táu tiếp tục nỗ lực vươn lên thoát nghèo với giấc mơ "cao ngang núi" của mình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khe-tau-hien-thuc-hoa-giac-mo-cao-ngang-nui-post868812.html