Khép lại bi kịch

Tòa án ở thành phố Marseille (Pháp) đã đưa ra phán quyết cuối cùng giúp chấm dứt mọi hình thức và mức độ kiện tụng, đồng thời còn giúp khép lại một bi kịch rất hy hữu trong lịch sử hàng không dân dụng trên thế giới.

Phi công phụ Andreas Lubitz đã được điều trị chứng trầm cảm trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc.

Phi công phụ Andreas Lubitz đã được điều trị chứng trầm cảm trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc.

Vụ việc xảy ra vào ngày 24/3/2015, chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Germanwing (bây giờ là Eurowing, một công ty con của tập đoàn hàng không Lufthansa của Đức) đâm vào dãy núi Alpen ở nước Pháp. Tất cả 150 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay bị thiệt mạng.

Nguyên nhân được xác định sau quá trình điều tra là phi công phụ Andreas Lubitz (người Đức) đã chiếm buồng lái và chủ định lái chiếc máy bay đâm vào núi đá. Kết quả điều tra cũng cho biết viên phi công phụ lái kia mắc bệnh tâm thần và chủ ý tự sát bằng cách ấy, kéo theo rất nhiều người khác vào cái chết.

Tai nạn máy bay do con người gây ra chứ không phải do lỗi kỹ thuật. Đối với thủ phạm, hành động trong tình trạng tâm lý như thế là bi kịch lớn của cuộc đời. Nhưng về phương diện pháp lý thì vấn đề trách nhiệm của cá nhân hay của công ty vẫn phải được đặt ra.

Hãng hàng không Germanwing và Tập đoàn Lufthansa bị thân nhân gia đình của nhiều nạn nhân vụ việc khởi kiện với tội danh giết người không chủ ý. Cụ thể ở đây là bên bị phải trực diện với cáo buộc của bên nguyên là đã để cho một phi công trong tình trạng tâm lý và bệnh tật như vậy tham gia điều khiển máy bay chở khách.

Theo kết quả điều tra thi viên phi công kia có đến gặp bác sĩ riêng để tham vấn về tình trạng tâm lý của mình. Bên nguyên cho rằng bên bị phải biết rõ tình trạng sức khỏe và tâm lý của các phi công, vì thế đã quản lý và quyết định rất cẩu thả khi cho phép anh ta tham gia điều khiển máy bay chở khách, vì thế không thể không chịu trách nhiệm liên đới về hành động tự sát của viên phi công kia.

Tòa án ở thành phố Marseille đi đến phán quyết rằng không thể quy kết trách nhiệm liên đới cho cá nhân hay thực thể có tư cách pháp nhân nào về bi kịch hàng không nói trên. Tòa cho rằng không ai có thể biết viên phi công kia sẽ tự sát, lại càng không thể biết trước được về cách thức tự sát của anh ta. Anh ta chỉ tham vấn bác sĩ riêng về tình trạng sức khỏe của mình chứ không tâm sự hay thổ lộ về dự định sắp làm. Anh ta cũng không thông báo gì cho hãng hàng không hay ám chỉ gần xa gì với đồng nghiệp khiến ai đấy có thể nghi ngờ. Cho nên mọi cáo buộc rằng bác sĩ hay đồng nghiệp, hoặc hãng hàng không biết trước về ý định tự sát của viên phi công kia là không có cơ sở. Phán quyết như thế của tòa án giải thoát bên bị đơn khỏi mọi trách nhiệm và nghĩa vụ về pháp lý, vật chất cũng như đạo lý. Sau 7 năm, bi kịch hàng không này chính thức được chấm dứt về phương diện pháp lý.

Phán quyết của tòa đương nhiên làm bên nguyên không thể vừa lòng, nhưng xem ra không thể khác được. Những suy nghĩ và dự định thầm kín của con người có thể được nung nấu trong thời gian dài, nhưng cũng có thể đến bất ngờ, đột ngột như ngẫu hứng mà bên ngoài không thể biết trước được và không thể ngờ được.

Hãng hàng không hay bác sĩ hoặc đồng nghiệp đều không phải là những nhà tiên tri về dự định của cá nhân nào đấy. Nhiệm vụ của tòa án là xét xử theo chứng cứ chứ đâu có phải đoán mò mà phán quyết.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khep-lai-bi-kich-post436927.html