Vụ tàu đâm sập cầu ở Mỹ: Bộ Tư pháp kiện đơn vị vận hành, đòi bồi thường 100 triệu USD
Ngày 18/9 (giờ địa phương), Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện, đòi bồi thường 100 triệu USD từ hai tập đoàn sở hữu và vận hành tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Maryland) hồi tháng 3.
Đáng lẽ có thể tránh được thảm kịch
Theo đơn kiện, hai công ty Grace Ocean Private Limited và Synergy Marine Private Limited đã điều động đội thủy thủ chưa được chuẩn bị chu đáo lên một con tàu không có khả năng đi biển.
"Các công ty làm vậy để thu lợi từ các cảng biển Mỹ. Tuy nhiên, họ đã cắt giảm chi phí theo cách nguy hiểm đến tính mạng và cơ sở hạ tầng", đơn kiện nêu rõ và đề nghị trừng phạt, ngăn chặn hoạt động của các công ty này tại vùng biển của Mỹ.
Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp tiếp tục đi sâu vào các lỗi trên tàu dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc, chỉ trích hai công ty vì không báo cáo các vấn đề của tàu.
"Bi kịch này hoàn toàn có thể tránh được. Từ bánh lái, chân vịt, mỏ neo đến chân vịt mũi tàu đều không có khả năng ngăn chặn thảm họa", các công tố viên cho biết và nêu thêm, thay vì sửa chữa các vấn đề đã tồn tại nhiều năm ở máy biến áp, các công ty lại chắp vá con tàu bằng các thanh chống tạm thời, nhiều lần bị hỏng.
Theo các công tố viên, khi máy biến áp điện bị hỏng vào đêm xảy ra vụ sập cầu, nguồn điện đáng lẽ ra phải ngay lập tức tự động chuyển sang máy biến áp dự phòng và vẫn còn nhiều thời gian để điều hướng tàu tránh xa khỏi cây cầu Francis Scott Key. Nhưng tính năng an toàn này lại không thể hoạt động.
Nguồn điện trên tàu Dali đã khôi phục trong thời gian ngắn, nhưng chỉ tồn tại được khoảng 1 phút rồi tiếp tục sự cố do lỗi của tàu. Những lỗi này được đánh giá là do công ty đã cắt giảm chi phí bảo dưỡng tàu để tiết kiệm tiền.
Các công tố viên cũng nhấn mạnh, con tàu đã mất điện 1 ngày trước khi xảy ra sập cầu, nhưng không báo cáo cho Lực lượng Tuần duyên Mỹ theo đúng quy định.
Công ty chủ quản tàu phải trả tiền, không phải người đóng thuế Mỹ
Ngoài ra, các công tố viên liên bang cũng đề nghị hai công ty chi trả 100 triệu USD (khoảng 2.400 tỷ đồng), trước mắt để bù đắp cho các hoạt động phản ứng của cơ quan chức năng khi sự cố chết người xảy ra, cũng như bồi thường chi phí dọn dẹp đống đổ nát kéo dài nhiều tháng để khôi phục hoạt động tại cảng Baltimore.
Vụ kiện dân sự là hành động thực thi pháp lý đầu tiên của chính phủ liên bang sau khi con tàu container dài hơn 300m, nặng gần 100.000 tấn đã đâm sập cầu Key, khiến 6 công nhân thiệt mạng khi đang bảo dưỡng mặt cầu.
"Bộ Tư pháp cam kết buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm cho vụ sập cầu Francis Scott Key, dẫn đến cái chết bi thảm của 6 người và làm gián đoạn cơ sở hạ tầng vận tải, an ninh quốc phòng của đất nước", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland tuyên bố.
"Chi phí dọn dẹp hiện trường và mở lại cảng Baltimore phải được các công ty gây ra vụ tai nạn chi trả chứ không phải những người đóng thuế cho nước Mỹ", Bộ trưởng nói thêm.
Phó Tổng chưởng lý Benjamin Mizer từ chối bình luận về khả năng các cơ quan sẽ tiếp tục theo đuổi các cáo buộc hình sự liên quan đến vụ tàu hàng đâm sập cầu Key khiến 6 người thiệt mạng.
Vụ tai nạn trên xảy ra vào sáng sớm 26/3 theo giờ địa phương (tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam) khi tàu container Dali treo cờ Singapore đang ra khỏi bến cảng để hướng đến Sri Lanka thì lao vào một trụ đỡ của cầu Francis Scott Key làm sập cầu, khiến nhiều người và phương tiện đang lưu thông trên cầu tại thời điểm đó rơi xuống sông.
Sau vụ tàu đâm sập cầu, bang Maryland (Mỹ) đã công bố kế hoạch tái thiết cầu Francis Scott Key với ước tính chi phí lên tới 1,9 tỷ USD và mất 4 năm xây dựng.