Nguồn gốc bí ẩn của hàng nghìn máy nhắn tin gắn thuốc nổ ở Li-băng
Vụ đánh bom bằng máy nhắn tin dường như là hoạt động phức tạp đã được chuẩn bị trong nhiều tháng. Nhiều chuyên gia tin rằng Israel đã xâm nhập vào chuỗi cung ứng và gắn thuốc nổ vào hàng trăm máy nhắn tin trước khi chúng được nhập khẩu vào Li-băng, nhưng đến nay vẫn chưa ai biết họ làm bằng cách nào.
Gold Apollo, một công ty Đài Loan (Trung Quốc), tuyên bố đã ủy quyền cho BAC Consulting KFT, một công ty có trụ sở tại Hungary, và cho phép hãng này dùng tên của họ trên các thiết bị bán cho Hezbollah.
Tuy nhiên, ngày 18/9, một phát ngôn viên của Chính phủ Hungary cho biết các máy nhắn tin được bán cho Hezbollah chưa bao giờ được sản xuất ở Hungary và BAC Consultants chỉ đóng vai trò trung gian.
Trao đổi qua điện thoại với một tờ báo ngày 18/9, Tổng giám đốc điều hành của BAC Consulting Cristiana Bársony-Arcidiacono xác nhận công ty của bà đã hợp tác với Gold Apollo. Nhưng khi được hỏi về các máy nhắn tin và vụ nổ, bà nói: "Tôi không sản xuất máy nhắn tin. Tôi chỉ là đơn vị trung gian. Tôi nghĩ là anh đã hiểu sai".
Hồ sơ của Bộ Tư pháp Hungary cho thấy một công ty có tên BAC Consulting đăng ký bắt đầu hoạt động từ ngày 21/5/2022. Các hoạt động chính của công ty này bao gồm bán lẻ các sản phẩm viễn thông, tư vấn quản lý, làm đồ trang sức và trồng cây.
Hồ sơ từ ngày 2/5/2020 cho thấy một công ty cùng tên đã tồn tại trước đây nhưng đóng cửa từ năm 2020.
Người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Zoltán Kovács cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội X, rằng cơ quan chức năng đã xác nhận BAC Consulting là công ty trung gian thương mại chứ không sản xuất, và các thiết bị vừa nổ “chưa bao giờ ở Hungary".
Ông nhấn mạnh "trường hợp này không gây ra rủi ro an ninh quốc gia" cho Hungary.
Ngày 18/9, Cơ quan Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) cho biết Gold Apollo đã xuất khẩu 260.000 máy nhắn tin từ năm 2022 đến tháng 8/2024, chủ yếu sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Cơ quan này không có báo cáo nào cho thấy những sản phẩm đó bị nổ và không có hồ sơ nào cho thấy công ty xuất khẩu máy nhắn tin trực tiếp sang Li-băng.
“Liệu lô hàng này có phải đã bị can thiệp không?... Có phải một nhà sản xuất khác đã làm ra và dùng tên Apollo không? Điều này vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra”, một phát ngôn viên của cơ quan nói với NBC News.
Một ngày sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin, nhiều bộ đàm và thiết bị năng lượng mặt trời đã phát nổ ở Beirut và các khu vực khác của Li-băng trong ngày 18/9. Trong đợt tấn công thứ hai này, ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hơn 450 người bị thương, Bộ Y tế Li-băng cho biết.
Vụ tấn công xảy ra khi Li-băng vẫn chưa hết bàng hoàng và giận dữ sau vụ đánh bom qua máy nhắn tin ngày 17/9, khiến 12 người thiệt mạng và khoảng 2.800 người bị thương.
Loạt vụ nổ này rất có thể là do can thiệp từ chuỗi cung ứng, với thiết bị nổ rất nhỏ bị gắn vào máy nhắn tin trước khi chuyển giao cho Hezbollah. Sau đó tất cả được kích hoạt từ xa cùng lúc, có thể bằng tín hiệu vô tuyến.
Một cựu sĩ quan xử lý bom của quân đội Anh giải thích thiết bị nổ có 5 bộ phận chính: Hộp đựng, cục pin, thiết bị kích hoạt, kíp nổ và thuốc nổ.
"Một máy nhắn tin đã có 3 thành phần rồi. Bạn chỉ cần thêm kíp nổ và lượng thuốc nổ", cựu sĩ quan giấu tên cho biết.
Sean Moorhouse, cựu sĩ quan quân đội Anh và là chuyên gia xử lý chất nổ, cho biết điều này cho thấy sự tham gia ở cấp nhà nước. Ông nói thêm rằng cơ quan tình báo nước ngoài của Israel Mossad là nghi phạm rõ ràng nhất, vì họ mới có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công như vậy. Israel có lịch sử lâu dài về việc thực hiện các hoạt động tương tự trong quá khứ.
Dù máy nhắn tin được các thành viên Hezbollah sử dụng, nhưng không phải tất cả nạn nhân đều là thành viên của lực lượng này.
Vi phạm luật nhân đạo
Ít nhất 2 nhân viên y tế nằm trong số những người thiệt mạng. Các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhân viên từ thiện, giáo viên và nhân viên văn phòng làm việc cho các tổ chức liên quan đến Hezbollah cũng sử dụng máy nhắn tin.
Mary Ellen O’Connell, giáo sư luật và nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Đại học Notre Dame ở Indiana, cho biết biến vật mà dân thường sử dụng thành vũ khí là hành vi bị cấm theo luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên tiếng chỉ trích vụ nổ máy nhắn tin ở Li-băng, gọi đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và kêu gọi một "cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào ngày 20/9 về vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm theo kiến nghị của các quốc gia Ả-rập.
Nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng trong ngày 19/9.