Khi bệnh nhân trở thành 'con tin'

Hàn Quốc đang phải đối mặt trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử sau khi hàng nghìn bác sĩ y khoa - lực lượng thiết yếu chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, đồng loạt nghỉ việc để phản đối chính sách của Chính phủ muốn tăng số lượng sinh viên trường y.

"Cơn bão" đối với ngành y

Vụ việc xảy ra sau khi Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc quyết định tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y trong năm 2025, lên 5.000 chỉ tiêu, tăng 65,4% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. Bộ cũng dự định mở thêm một trường đại học y tế công cộng.

Ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) đã tuyên bố từ chức để phản đối, kéo theo làn sóng từ chức, nghỉ việc và đình công bắt đầu lan ra toàn ngành. Các đại diện của 5 bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc (Big 5), bao gồm Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Severance, Samsung Seoul, Seoul Asan và St. Mary Seoul, đã nộp đơn từ chức trong ngày 19.2.

Bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện ở Incheon, Seoul hôm 20.2 trong bối cảnh hàng nghìn bác sĩ xin thôi việc. Ảnh: Yonghap

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến 10 giờ tối 20.2, khoảng 8.816 bác sĩ thực tập, tương đương 71,3% bác sĩ thực tập tại 100 bệnh viện, đã chính thức nộp đơn xin nghỉ việc. Số lượng xin nghỉ việc có thể sẽ lên tới 13.000 đơn trên toàn quốc theo hãng tin Yonhap. Tình trạng này cũng chưa rõ sẽ kéo dài đến bao giờ và được xử lý như thế nào do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đang trong tình trạng không có người lãnh đạo, một động thái giáng mạnh vào ngành y tế và vô cùng nguy hiểm đối với bệnh nhân trên toàn quốc.

Lý do của những người mặc blouse trắng

Sở dĩ các bác sĩ và sinh viên trường y phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh vì cho rằng, điều này chỉ làm tăng tỉ lệ cạnh tranh trong ngành và chất lượng bác sĩ sẽ đi xuống do phải đào tạo quá nhiều sinh viên cùng một lúc. Họ cho rằng thay vì mở rộng tuyển sinh, Chính phủ nên tìm cách cải thiện môi trường làm việc của các bác sĩ và có sự phân bổ hiệu quả hơn.

Họ cũng kêu gọi Chính phủ tìm cách phân bổ bác sĩ tốt hơn cho “các khoa y tế không được ưa chuộng” như chăm sóc nhi khoa, sản phụ khoa; cũng như giảm trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra sai sót.

Họ cho biết, số lượng các bác sĩ ở những khoa này rất thấp do dịch vụ y tế bị định giá thấp hơn đáng kể, như các khoa da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ. Ở đây, chi phí y tế không do hệ thống bảo hiểm y tế quy định mà được tự quy định bởi các bác sĩ hoặc cơ sở y tế này. Họ đưa ra ví dụ về chi phí sinh con của khoa phụ sản thấp hơn nhiều so với phương pháp điều trị da bằng laser đơn giản của bác sĩ da liễu. Điều này đã dẫn đến tình trạng bác sĩ ồ ạt lựa chọn những khoa dễ kiếm tiền hơn trong khi những khoa quan trọng khác vẫn thiếu nhân lực.

Cuộc đối thoại không tìm thấy điểm chung

Trong khi giới y tế và Chính phủ tiếp tục tranh cãi về việc có nên hay không bổ sung thêm sinh viên y khoa, hai bên đã có cuộc đối thoại đầu tiên vào cuối ngày 20.2 nhưng hai bên vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục.

Tại cuộc đối thoại, đại diện Bộ Y tế Yoon Suk-yeol cho biết, chính sách tăng cường nhân lực cho ngành y của Hàn Quốc là vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho một xã hội già hóa cần sự chăm sóc y tế nhiều hơn trong tương lai. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y sau 27 năm.

Tính toán dựa trên triển vọng cả nước sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035 để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhân khẩu học. Đất nước này cần nhiều bác sĩ hơn để chuẩn bị cho một “xã hội siêu phát triển”, nơi người cao tuổi chiếm 20% dân số vào năm 2025 và 30% vào năm 2035.

Theo Chính phủ, số bác sĩ trên 1.000 người là mức 2,2, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 do các nước thành viên OECD công bố, trích dẫn dữ liệu thống kê y tế của tổ chức này vào năm ngoái. Chính phủ nói thêm rằng con số này là 4,5 ở Đức, 3,2 ở Pháp và 2,6 ở Nhật Bản.

Bộ Y tế Hàn Quốc cũng lưu ý rằng, Pháp đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y từ 3.850 sinh viên năm 2000 lên khoảng 10.000 sinh viên vào năm 2020, trong khi Nhật Bản đã tăng số tuyển sinh trường y lên 9.384 sinh viên năm 2023. Vương quốc Anh hy vọng sẽ có thêm 15.000 sinh viên y khoa vào năm 2031.

Liên quan đến việc cân đối lại số lượng bác sĩ của các khoa, Chính phủ cho biết các lĩnh vực y tế thiết yếu không tương thích với hệ thống tính phí theo dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ chính sách công theo chính sách bảo hiểm y tế mà Chính phủ đã công bố hồi đầu tháng này. Theo chương trình này, các lĩnh vực nhi khoa, chăm sóc tích cực, sức khỏe tâm thần và bệnh truyền nhiễm sẽ nhận được các khoản thanh toán tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của các thủ tục cũng như những khó khăn và rủi ro của các dịch vụ không được phản ánh trong hệ thống tính phí dịch vụ.

Bản chất là cuộc chiến giành lợi nhuận

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ các bác sĩ Hàn Quốc phản đối kế hoạch mở rộng số lượng vì nhiều bệnh viện Hàn Quốc, chủ yếu là tư nhân, hoạt động theo cơ cấu định hướng lợi nhuận.

“Ở phương Tây, các bệnh viện công chiếm hơn 50% cơ sở y tế, vì vậy các bác sĩ không lo ngại gì về việc có thêm đồng nghiệp. Thậm chí họ còn hoan nghênh vì điều đó sẽ giúp họ giảm khối lượng công việc trong khi họ vẫn được hưởng khoản tiền lương không đổi”, Jeong Hyoung-sun, giáo sư của quản lý y tế tại Đại học Yonsei nói.

Nhưng ở Hàn Quốc lại khác, rất nhiều bác sĩ điều hành các phòng khám riêng, và số lượng lớn bác sĩ làm việc cho các cơ sở tư nhân, nên nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh trong tương lai, họ sẽ không thể kiếm được nhiều tiền hơn. Đó là một cuộc chiến giành lợi nhuận, giáo sư lưu ý.

Lee Ju-yul, giáo sư tại Khoa Quản lý Y tế tại Đại học Namseoul, chỉ ra hệ thống tính phí theo dịch vụ cũng là một phần nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh giữa các bác sĩ.

“Theo chương trình này, các bác sĩ tính phí riêng cho từng dịch vụ họ thực hiện. Nhưng miếng bánh sẽ nhỏ hơn nếu chúng ta có nhiều bác sĩ hơn”, ông Lee nói với The Korea Herald.

Giáo sư Lee giải thích: “Đó là lý do tại sao cái gọi là “điều trị ba phút” nổi lên khi các bác sĩ chỉ dành ba phút cho mỗi bệnh nhân để tăng số lượng dịch vụ y tế nhằm đổi lấy lợi nhuận lớn hơn.

Chính phủ đang cân nhắc biện pháp mạnh

Trong một tuyên bố ngày 20.2, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho rằng nếu các bác sĩ có hành động tập thể dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y, người dân sẽ hứng chịu thiệt hại. Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh điều này không nên xảy ra bởi sức khỏe và tính mạng của người dân sẽ bị đe dọa.

Để xử lý tình hình khẩn cấp trước mắt, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết Chính phủ sẽ trực tiếp vận hành phòng cấp cứu tại 409 cơ sở cấp cứu toàn quốc. Các bệnh viện công sẽ kéo dài thời gian thăm khám cả ngày thường và nghỉ lễ. Một số bệnh viện quân y sẽ mở cửa để khám và điều trị cho người dân trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế cũng đã ban hành lệnh cấm tiếp nhận đơn từ chức tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang cân nhắc khả năng nộp đơn khiếu nại lên cơ quan công tố nhằm kiện hàng nghìn thực tập sinh và bác sĩ đã từ chức và bỏ việc hàng loạt nếu họ không tuân thủ lệnh triệu tập quay trở lại làm việc. Theo Kim Kook-il, người đứng đầu nhóm ứng phó khẩn cấp thuộc Bộ Y tế, Chính phủ sẽ xem xét việc thực hiện các biện pháp trừng phạt hành chính và xem xét mức độ truy tố trước khi hoàn thành lệnh triệu tập yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc.

Hậu quả của vụ đình công này là vô cùng nghiêm trọng. Đã có những thông tin cho biết rằng các phòng mổ phẫu thuật sẽ chỉ hoạt động dưới 50% công suất, hàng loạt bệnh nhân ung thư bị trì hoãn lịch mổ, các ca mổ sinh nở cũng bị trì hoãn. Ngay cả Trung tâm Ung thư Quốc gia - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế cũng đang điều chỉnh lịch phẫu thuật trước làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế. Người dân và chính phủ Hàn Quốc đang đặt ra câu hỏi rằng có phải các bác sĩ đang lấy bệnh nhân ra làm con tin để đạt được mục đích của mình?

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/khi-benh-nhan-tro-thanh-con-tin-i360772/