Khi Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương

Nhằm phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ các cấp, những năm qua, tỉnh chú trọng thực hiện việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt, trong đó, có bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương. Sau một thời gian triển khai, các bí thư cấp ủy cấp xã được luân chuyển, điều động không là người địa phương đã phát huy năng lực, tâm huyết, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Tự Đỗ Đức Long (đứng giữa) kiểm tra thực địa, từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác dồn thửa đổi ruộng ở địa phương. Ảnh: Trường Khanh

Bí thư Đảng ủy xã Đại Tự Đỗ Đức Long (đứng giữa) kiểm tra thực địa, từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác dồn thửa đổi ruộng ở địa phương. Ảnh: Trường Khanh

Tháng 3/2019, khi đang là Bí thư Đảng ủy xã Liên Châu, đồng chí Đỗ Đức Long được BTV Huyện ủy Yên Lạc luân chuyển về đảm nhận chức danh Bí thư Đảng ủy xã Đại Tự.

Thời gian đầu gặp phải không ít khó khăn. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm nhiều năm công tác của mình, đồng chí đã cùng tập thể cấp ủy, chính quyền xã Đại Tự hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tại địa phương công tác.

Bí thư Đảng ủy Đỗ Đức Long chia sẻ: "Địa bàn mới, phong tục tập quán của người dân và phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên khác nhau nên cũng khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu.

Với quyết tâm hoàn thành thật tốt công việc được cấp trên giao phó, tôi luôn cố gắng, tranh thủ nắm bắt tình hình của từng chi bộ, từng ngành, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên; thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo qua các thời kỳ; gần dân, sát dân… để từ đó đưa ra những chủ trương đúng, trúng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương".

Với sự nỗ lực và quyết tâm của cá nhân và tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương, những vấn đề nổi cộm thuộc lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng đã được giải quyết; tình hình an ninh, chính trị ổn định; công tác phát triển Đảng đạt nhiều kết quả tích cực.

Tính năm 2021, xã Đại Tự đã thực hiện thành công công tác dồn thửa đổi ruộng, với diện tích hơn 250ha. Các mô hình kinh tế như chăn nuôi trâu bò, lợn, gia cầm; trồng cà chua ghép, cây ăn quả… ngày càng phát triển đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%.

Ðồng chí Đỗ Đức Long hiện là một trong số 49 Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không phải người địa phương. Qua thực tế, việc người đứng đầu cấp ủy tại các xã, phường, thị trấn không phải là người địa phương đã góp phần khắc phục đáng kể tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ tại địa phương, tạo những thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc.

Đồng thời, tác động tích cực đến các cán bộ, đảng viên khác trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn có người đứng đầu cấp ủy từ nơi khác đến đều tạo ra những chuyển biến rất tích cực về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương công tác. Nhiều xã từ khó khăn đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; không ít xã, phường, thị trấn có vấn đề nổi cộm nay đã đoàn kết, thống nhất.

Những kết quả trong việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt, nhất là Bí thư các xã, phường, thị trấn không phải là người địa phương trong thời gian qua sẽ là tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2025, sẽ bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương đạt 40% trở lên và đến năm 2030 có ít nhất 60% Bí thư cấp xã không phải là người địa phương.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xay-dung-dang/72201/khi-bi-thu-dang-uy-xa-khong-phai-la-nguoi-dia-phuong.html