Khi chính trị bị kéo vào tranh chấp trong ngành hàng không
Vụ tranh chấp ồn ào giữa Airbus và Qatar Airways liên quan đến dòng máy bay Airbus A350 đã thu hút sự chú ý của giới chức Pháp và Qatar.
Mới đây, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Pháp cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân trao đổi với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani về tranh chấp giữa Airbus và Qatar Airways trong chuyến thăm Doha của ông Macron tháng 12/2021. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ kết quả của cuộc trao đổi.
Thông tin này được quan chức Pháp đưa ra khi trả lời đề nghị bình luận của Reuters về một số thư điện tử nội bộ của Airbus nằm trong hồ sơ vừa được tòa án tại Anh công bố tháng trước liên quan đến vụ kiện giữa Qatar Airways và Airbus.
Hiện tại, văn phòng truyền thông của Chính phủ Qatar từ chối bình luận về thông tin trên.
Cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Pháp và Qatar cho thấy tranh chấp gay gắt về hợp đồng máy bay giữa hãng bay hàng đầu vùng Vịnh và nhà sản xuất máy bay lớn của châu Âu đã vượt ra ngoài khuôn khổ tòa án, lấn sang vấn đề chính trị, quan hệ kinh tế song phương giữa Qatar và Pháp.
Hiện tại, cuộc tranh chấp này đã dẫn đến rạn nứt quan hệ giữa hai công ty; Qatar đã quyết định hủy bỏ các đơn đặt hàng quy mô lớn chưa từng có.
Về các thư điện tử nội bộ của Airbus mà Reuters có được, hãng tin Reuters đã dẫn một số nội dung thư của Airbus cho thấy, hãng sản xuất máy bay châu Âu đã trao đổi nội bộ về kế hoạch thúc đẩy vụ việc với Qatar trên nhiều mặt như chính trị, quy định và thương mại. Trong thư gửi tới Giám đốc Công nghệ Airbus Sabine Klauke vào ngày 8/12/2021, một kỹ sư cấp cao của Airbus nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron với CEO Airbus Guillaume Faury và Quốc vương Qatar có thể là đòn bẩy hiếm có.
Theo nội dung một số bức thư khác, các cuộc đàm phán về mặt chính trị đã bắt đầu từ cuối tháng 12/2021, cùng thời điểm vụ tranh chấp giữa Airbus và Qatar Airways được công bố.
Một email khác của Airbus ghi ngày 8/12/2021 nhấn mạnh nên thực hiện song song đối thoại cả về chính trị và thương mại để nhanh chóng tìm ra giải pháp có lợi cho cả 2 bên, đưa hai tập đoàn thoát khỏi mâu thuẫn.
Theo một số nhà ngoại giao châu Âu, mâu thuẫn này sẽ khiến giới chức Pháp ngày càng áp lực bởi họ đã và đang phải nỗ lực để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Qatar khi châu lục này đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong mùa đông, còn Qatar lại là nhà cung cấp khí đốt thay thế cho Nga.
Trong ngày 10/11, Airbus từ chối đưa ra bình luận trước thông tin trên. Hãng Reuters cũng chưa liên lạc được với người phát ngôn của Qatar Airways để đề nghị đưa ra bình luận.
Vụ kiện giữa Airbus và Qatar Airways bắt đầu từ những cáo buộc của Qatar Airways về một số máy bay Airbus A350 đã bị nứt, bong tróc sơn trên diện rộng và quyết định dừng nhận hàng từ Airbus.
Cơ quan quản lý hàng không của Qatar cũng ra lệnh cấm bay đối với 29 máy bay thuộc dòng Airbus A350 do quan ngại về an toàn trong năm 2021.
Về phần mình, hãng Airbus thừa nhận dòng Airbus A350 tồn tại một số vấn đề về chất lượng nhưng cho rằng những vấn đề này không dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Hãng cũng hủy các hợp đồng đơn hàng mới với Qatar Airways. Trong thời gian tranh chấp, Qatar Airways đã chuyển sang hợp tác với đối thủ của Airbus là hãng sản xuất máy bay Boeing.