Khi chồng nghỉ phép

Mấy hôm nay gương mặt chị Hoa tươi hơn hớn. Tan trường, chị chưa vội ra nhà xe để về ngay như mọi khi.

Chị còn nán lại câu ra câu vào với mấy đồng nghiệp nữ bàn chuyện sắm thêm áo dạ và đầm mùa đông để diện dịp Noel và Tết dương lịch. Đi qua hay đứng gần chị, ai cũng nhận ra mùi nước hoa thơm nức, tóc uốn xoăn theo nếp gọn gàng và môi tô son đỏ, khác hẳn mọi khi. Chị Lan tinh ý, chun mũi, trêu đùa: "Bộ đội mới về làng hả? Trông xinh đẹp hẳn ra nhỉ?”. Mặt chị Hoa bỗng ửng hồng như cô gái mới yêu: "Vâng, nhà em về phép được ít ngày”. "Thích quá nhỉ? Nhất bà Thượng tá nhé”. Chị Hoa thanh minh: "Cũng phải bù cho những lúc đi xa, mình em cáng đáng mọi thứ. Vất vả lắm các chị ạ!”. Đúng lúc có người đồng cảm, chị Hoa mới tâm sự một tràng.

Từ lúc lấy chồng bộ đội, chị Hoa đã xác định tinh thần "vượt khó" vì đơn vị của anh Hải cách xa nhà hàng trăm cây số. Vài tuần anh mới về nhà được một lần vào dịp thứ bảy, chủ nhật. Vợ chồng chẳng kịp hàn huyên hay dành thời gian cho nhau vì anh còn phải đi thăm hai bên nội ngoại, gặp gỡ bạn bè. Lúc chị Hoa chuẩn bị sinh con đầu lòng thì anh lại nhận được lệnh đi công tác miền Nam, thời hạn 5 năm. Chị bàng hoàng, sửng sốt không biết sẽ xoay xở thế nào vì lần đầu làm mẹ còn bỡ ngỡ. Chị khóc mấy đêm trời nhưng nghe lời anh động viên: "Em phải là hậu phương vững chắc của anh thì anh mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ chứ. Công việc là thế nên phải biết hy sinh em ạ! Hãy can đảm lên”. Thế rồi chị cũng rèn bản lĩnh cho mình, vượt cạn thành công, dù chẳng có chồng ở bên để chăm sóc, vỗ về. Những năm con mọn, anh chỉ về vài bận vào dịp Tết, mình chị lo toan việc nhà, đối nội, đối ngoại và chăm con. Chị đúng là mẫu phụ nữ "giỏi việc trường, đảm việc nhà” khiến không ít đồng nghiệp và hàng xóm rất nể phục.

Khi anh Hải chuyển về Bắc thì chị sinh con thứ hai. Đúng dịp anh được nghỉ phép nên anh chăm chị từng li từng tí. Anh nấu cơm, giặt giũ, bế con để chị ngủ ngon giấc. Quãng thời gian ấy không được bao lâu. Khi anh trở lại đơn vị thì chị có phần hụt hẫng, một thân một mình tự lực cánh sinh, chăm nom, dạy bảo các con. Bao năm vất vả, chị không có cả thời gian để chăm chút cho bản thân. Mái tóc búi vội sau gáy, mặt lấm tấm tàn nhang và vết nám nổi lên từ bao giờ chị cũng không hay. Khi con bé được ba tuổi, anh lại được cử vào Nam công tác lần thứ hai. Lần này chị không khóc, chị đã quen với việc anh vắng nhà lâu ngày nên bình thản đối diện. Chị em đồng nghiệp cùng cơ quan còn trêu đùa: "Mỗi lần đi xa lại được thăng quân hàm, kể cũng vinh dự nhỉ”. Chị chỉ cười vì trong lòng chị đâu có bận tâm đến chức tước hay quân hàm anh đeo. Chị chỉ mong anh hoàn thành nhiệm vụ của một sĩ quan quân đội, xứng đáng với lý tưởng mà anh theo đuổi.

Bây giờ anh trở lại đơn vị cũ, cách nhà hơn trăm cây số. Anh chị tiết kiệm chi tiêu và vay mượn thêm, mua được chiếc ô tô để anh tiện di chuyển. Hễ cuối tuần nào không phải trực là anh lại lái xe về với vợ con. Anh vào bếp, nấu cơm, chế biến các món ăn chị thích. Anh dọn dẹp nhà cửa, rửa xe máy cho chị... Anh làm luôn chân luôn tay, bù cho những ngày đi vắng, để chị phải một mình loay hoay với búa, với dao khi sửa chữa đồ đạc hỏng trong nhà.

Gần đây, anh khuyên chị nên ăn mặc tươm tất để ý một chút đến ngoại hình. Chị nghĩ cũng đúng nên chị "tân trang" nhan sắc của bản thân mà chị đã bỏ bê bấy lâu. Chị nghĩ đơn giản là vì chồng đi vắng, "điểm phấn tô hồng” thì cho ai ngắm nên chị ăn mặc rất giản dị. Nghề giáo của chị cũng không phải chỗ biểu diễn thời trang nên chị không chạy theo mốt. Nhưng khi anh đưa chị đi uốn tóc, chọn đầm, chọn bốt thì chị thấy mình cũng cần thay đổi. "Người đẹp vì lụa” quả không sai. Chị thoa tí kem, tô son môi và diện dàng một chút là trẻ ra vài tuổi, bước vào lớp học sinh cũng trầm trồ: "Cô hôm nay đẹp thế”, làm chị rất vui và hào hứng.

Hôm nay, chị có lịch đi tập huấn ở thành phố. Anh dậy sớm nấu ăn sáng cho chị và xin làm tài xế chở chị đi. Mấy chị em cùng tổ được đi ké nên cứ xuýt xoa: "Nhất chị Hoa nhé, biết thế này em cũng phấn đấu lấy chồng bộ đội”. Chị quay sang cười tít mắt: "Thôi! Chị xin các em! Chị được là bà hoàng mấy ngày anh ấy nghỉ phép thôi. Sau đó, chị lại bị giáng xuống làm ô sin đấy”. Anh Hải vui vẻ: "Thế mới là vợ bộ đội, các cô nhỉ?”. Chị Hoa nhìn chồng âu yếm, thấy tự hào vì mình là vợ bộ đội.

TRẦN THỊ LÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/khi-chong-nghi-phep-222733