Khi cộng đồng làm du lịch
Thời gian gần đây, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng hay làng dệt thổ cẩm ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam)... đón nhiều khách du lịch. Những mô hình du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm nghề truyền thống này ở các địa phương tại Quảng Nam đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Về làng để trải nghiệm
Quảng Nam hiện có 35 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn và các huyện miền núi. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các làng du lịch như: Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút khách tham quan…
Lâu nay làng Trà Quế (TP Hội An) vẫn nức tiếng với các luống rau xanh mướt. Rau Trà Quế trồng trên vùng đất màu mỡ giữa đầm Trà Quế và sông Đế Võng, được tưới nước từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng không nơi nào có được... Làng Trà Quế còn là điểm đến lý tưởng cho các du khách yêu thích sự thanh bình, yên ả. Với sự cuốn hút một cách tự nhiên, nhiều công ty du lịch, lữ hành đã tổ chức các tour tham quan làng rau cùng nông dân canh tác, trải nghiệm một ngày làm nông dân… Khách tham quan được trải nghiệm quy trình trồng rau lâu đời của người dân địa phương; tham quan các điểm di tích trong làng. Qua đó không chỉ tạo thêm sự đa dạng điểm đến mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Vào thăm làng mộc Kim Bồng ở xã Cẩm Kim, chúng tôi gặp ông Paul - một du khách đến từ Hà Lan khi ông đang hào hứng dùng đục để khắc tên mình lên mảnh gỗ. Ông Paul chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm thực tế độc đáo như thế này. Hơn nữa ở đây các sản phẩm mộc vô cùng độc đáo, đa dạng, người dân gần gũi dễ mến, khi về nước tôi sẽ giới thiệu bạn bè, người thân ghé đến nơi đây”.
Ông Võ Đức Thi - chủ cơ sở mộc truyền thống ở làng Kim Bồng cho biết, khách nước ngoài thường đến cơ sở của ông đông nhất vào tháng 8 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách cả châu Âu và châu Á về thăm làng. Đón khách, ông và các nghệ nhân hướng dẫn họ làm những sản phẩm bằng gỗ nhỏ khá bắt mắt. Phần lớn du khách trước khi rời đi đều mua một món quà lưu niệm, giúp cơ sở của ông có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Cùng với làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, tại nhiều bản làng vùng cao của huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Du lịch sinh thái cộng đồng được triển khai tại địa phương là cơ hội để đồng bào Cơ Tu giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm vào trình diễn, phục vụ du khách. Qua đó, bà con vừa có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống.
Chị Bhling Treng - dân tộc Cơ Tu, ở xã Tà Lu, huyện Đông Giang cho biết, từ khi mới 15 tuổi chị đã rành nghề dệt thổ cẩm. Ngày trước chủ yếu dệt quần, áo cho gia đình và cho người dân trong vùng. Mới đây, chị đã đứng ra vận động một số chị em thành lập Tổ dệt Đhrôồng với mong muốn cải thiện thu nhập cho các thành viên, đồng thời góp phần giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào mình và thu hút khách du lịch đến địa phương.
Chỉ riêng huyện Đông Giang hiện có các làng du lịch cộng đồng như Bhơ Hôồng ở xã Sông Kôn, Đhrôồng ở xã Tà Lu. Việc khôi phục các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng đã góp phần tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho bà con Cơ Tu.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp và làng nghề, qua đó nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả các lợi thế của địa phương để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, với diện tích hơn 115.000ha đất nông nghiệp, hơn 726.000ha đất lâm nghiệp và hệ sinh thái đa dạng, trong đó có nhiều loại thuốc quý hiếm như sâm ngọc linh, ba kích, quế... Cùng với đó là nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang được khôi phục.
Nhiều mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm nghề truyền thống như các tour trải nghiệm đan lát, kỹ thuật mộc, đúc đồng, tham gia trồng rau Trà Quế, dệt thổ cẩm và làm gốm… đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, huyện rất quan tâm việc bảo tồn, phát huy các yếu tố làng nghề truyền thống của địa phương, trong đó, các nghề thủ công như dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, làng nghề đan lát, nấu rượu cần… luôn được chú trọng, để có hướng phát triển gắn với du lịch nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Du lịch cộng đồng kết hợp với các làng nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Nam đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm. Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống”.
Được biết hiện nay, các địa phương đang triển khai và thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ ngân sách cấp huyện, các chương trình, đề án, dự án khác; vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và các nguồn vốn hợp pháp khác để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả các lợi thế, thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Mới đây, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng phụ cận di sản. Theo ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, vùng đệm phụ cận Mỹ Sơn có đầy đủ yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, điều kiện địa lý, lịch sử văn hóa, xã hội để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, một số địa điểm, di tích nổi bật có thể kể đến như đập Thạch Bàn, khu kỹ nghệ An Hòa, chùa An Hòa… Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống có sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt hết sức đặc sắc cùng cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư.
Vịnh Hạ Long tiếp tục đón khách quốc tế
Những ngày này, du khách quốc tế bắt đầu tìm đến vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tham quan sau bão số 3. Sau 3 ngày đầu mở cửa, Vịnh Hạ Long đã đón khoảng 50 tàu du lịch đưa hơn 1.000 lượt khách tham quan. Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 89.000 chuyến tàu đưa khoảng 2,4 triệu lượt khách tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó có gần 1,3 triệu lượt khách nước ngoài. Khách lưu trú ước đạt trên 419.000 lượt.
Để có thể đón khách trở lại sau bão số 3, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các đơn vị ra quân chiến dịch “3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long”. Chiến dịch diễn ra từ ngày 15 - 17/9. Mỗi ngày sẽ có từ 35 - 50 phương tiện, khoảng 150 - 200 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được huy động, đồng loạt ra quân tham gia thu gom, vận chuyển rác. Theo ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, mục tiêu của chiến dịch là góp phần khắc phục tình trạng rác thải gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sau cơn bão số 3. Đồng thời, khôi phục lại cảnh quan cho di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long, khẳng định điểm đến an toàn, hấp dẫn để tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-cong-dong-lam-du-lich-10290449.html