Khi công trường cao tốc ngóng cát

Thực trạng thiếu cát đắp nền vẫn đang diễn ra tại công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dù 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đã khai thác nhiều tháng qua.

Những mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc đều có thời gian khai thác từ 7h-17h trong ngày. Nhưng, thời gian làm việc thực tế tại công trường mỏ cát chỉ bằng một nửa. Lý do là chỉ cần nửa ngày, số lượng được phép khai thác đã xong, muốn khai thác thêm cũng không được.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện chưa đáp ứng tiến độ thi công do thiếu cát. Ảnh: Huỳnh Như.

Quản lý mỏ cát thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết, từ ngày 28/12/2023 đến nay, nhà thầu khai thác tổng số 225.000m3. Với trữ lượng được phép khai thác mỗi ngày 2.800m3, công nhân làm việc hơn nửa ngày đã hoàn thành.

Tại mỏ cát tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò do Công ty Thi Sơn khai thác, các công nhân cũng chỉ làm việc trong buổi sáng đã xong nhiệm vụ (tối đa 2.500m3/ngày).

Gói thầu do Công ty Thi Sơn phụ trách dài gần 5km, cần tới 700.000m3 cát. Hiện, mỗi tháng công ty chỉ được phép khai thác 50.000m3, không đủ để thi công. Thời gian chờ cát về công trường, mỗi ngày tổn thất cả trăm triệu đồng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại mỏ cát xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, do Công ty Hoàng Anh khai thác. Mỗi ngày công ty khai thác 2.500m3, trong khi nhu cầu thi công cần 3.000-4.000m3.

Trước thực trạng trên, các đơn vị khai thác đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục xin phép được nâng trữ lượng khai thác hằng ngày và đang chờ các đơn vị liên quan phê duyệt.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công từ tháng 1/2023. Thế nhưng sau một năm, sản lượng thi công chỉ đạt khoảng 24%, chậm tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chậm chủ yếu do thiếu cát.

Dự án có chiều dài hơn 110km và cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nền đường. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh An Giang, Đồng Tháp mỗi địa phương ưu tiên bố trí 7 triệu m3, Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3. Tuy nhiên, đến nay các địa phương mới xác định được nguồn bố trí khoảng 16 triệu m3.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025, kế hoạch ban đầu dự kiến nhu cầu cát đến hiện tại phải đạt khoảng 11,64 triệu m3. Song đến nay, các nhà thầu mới tiếp nhận được 3 triệu m3, đạt 26%.

Hiện, An Giang còn thiếu khoảng 1 triệu m3, Vĩnh Long thiếu khoảng 2 triệu m3. Ngoài ra, các mỏ mới được Vĩnh Long cấp vẫn chưa thể khai thác do chưa hoàn thiện hồ sơ, địa phương chưa ban hành quyết định và giá thuê đất mặt nước để các nhà thầu có cơ sở nộp tiền...

Để chủ động nguồn cát đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án, hiện các nhà thầu đang triển khai thủ tục xin mở mỏ cát biển tại Sóc Trăng với 6 triệu m3. Tuy nhiên, dự kiến ban đầu có thể khai thác vào đầu tháng 5, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục.

Có thể nói, việc sớm đưa mỏ cát biển vào khai thác trong những ngày tới sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà thầu tăng tốc thi công nền đường, xử lý nền đất yếu, bảo đảm tiến độ đưa dự án về đích năm 2025.

Điều quan trọng hiện nay là địa phương cần sớm rà soát các thủ tục và hướng dẫn nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các loại thuế, phí liên quan. Điều đó đảm bảo nhà thầu có thể thực hiện khai thác ngay sau khi được cấp quyền. Trường hợp chưa xây dựng được đơn giá thuế, phí để áp dụng ngay, có thể vận dụng theo đơn giá của tỉnh Trà Vinh – địa phương đã thí điểm trước đó.

Chí Nghĩa

Chí Nghĩa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-cong-truong-cao-toc-ngong-cat-1922404222316032.htm