Khi CSGDĐH tự công nhận, bổ nhiệm GS, PGS sẽ mang lại những thuận lợi ra sao?

Việc giao quyền xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học có thể mang lại những lợi ích nhất định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo một số chuyên gia ngành Công nghệ thông tin đánh giá, Quyết định số 37 có nhiều ưu điểm, tuy nhiên vẫn cần xem xét điều chỉnh một số quy định theo đặc thù của ngành.

Một số tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với đặc thù ngành Công nghệ thông tin

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với các tiêu chuẩn chung để được xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, các ứng viên ngành Công nghệ thông tin còn gặp phải những khó khăn.

Trước hết, số tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với đặc thù ngành bởi ngành Công nghệ thông tin có tính ứng dụng cao, nhưng quy trình xét duyệt vẫn ưu tiên công bố trên các tạp chí khoa học hàn lâm.

Trong khi đó, nhiều công trình quan trọng trong Công nghệ thông tin lại xuất hiện dưới dạng bài báo hội nghị quốc tế có bình duyệt (conference proceedings) vốn chưa được đánh giá cao trong khung tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trong ngành Công nghệ thông tin như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật thông tin thường có công bố quan trọng tại các hội nghị như NeurIPS, ICML, CVPR, SIGIR, KDD, IJCAI... lại chưa được Hội đồng Giáo sư ngành đánh giá tương đương với tạp chí ISI/Scopus. Trong khi đó, đối với cộng đồng nghiên cứu quốc tế nói chung, ở những hội nghị này, được xếp hạng A* theo các bảng xếp hạng hội nghị nổi tiếng và thông dụng, được đánh giá rất cao, thậm chí cao hơn một số tạp chí Q1 trong ngành.

Thứ hai, hạn chế về số lượng tạp chí chuyên ngành uy tín được công nhận. Nhiều tạp chí Công nghệ thông tin có chỉ số ảnh hưởng cao nhưng chưa nằm trong danh mục được công nhận hoặc chỉ được tính điểm hạn chế khi xét duyệt, đặc biệt là các tạp chí dạng Open Access (OA). Việc không công nhận các tạp chí OA hoặc cho điểm thấp các tạp chí này có một số vấn đề bất cập.

Vì vậy, yêu cầu về “tiêu chuẩn” bài báo quốc tế trong ngành Công nghệ thông tin nên có một số cập nhật để phù hợp hơn với việc công bố kết quả nghiên cứu cộng đồng khoa học trong lĩnh vực này như cần công nhận các bài báo hội nghị tương đương với các bài báo ISI/Scopus dựa trên chất lượng hội nghị.

Đồng thời, cần ghi nhận các bài báo xuất bản dưới dạng OA, không “phân biệt đối xử” các bài báo này mà cần dựa vào uy tín, chất lượng của tạp chí mà bài báo được xuất bản, đặc biệt đối với các tạp chí đầu ngành.

Từ 2 trường hợp nêu trên, có thể dựa vào các bảng xếp hạng nổi tiếng thế giới như bảng xếp hạng CORE đối với hội nghị (chia hội nghị thành các hạng A*, A, B, C), hoặc bảng phân loại SCImago đối với tạp chí (chia tạp chí thành các hạng Q1, Q2, Q3…) đối với từng ngành. Có thể mặc định tính điểm cao nhất đối với bài tạp chí Q1 và công nhận các bài hội nghị hạng A, A* tương đương với Q1.

 Ảnh minh họa. Website Trường Đại học Đại Nam

Ảnh minh họa. Website Trường Đại học Đại Nam

Còn theo một giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ, khó khăn chủ yếu là việc làm hồ sơ cần rất nhiều minh chứng, có những minh chứng qua thời gian rất khó tìm lại. Còn đối với các tiêu chuẩn để xét duyệt của chức danh giáo sư, phó giáo sư là hợp lý. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu xét tới đặc trưng của mỗi ngành trong việc tính điểm các công trình hoặc các trường hợp ngoại lệ như các nhà khoa học nước ngoài.

Ngoài ra, một trong những điều kiện tiên quyết đối với ứng viên theo Quyết định 37 là phải có công bố kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo công bố quốc tế) nhưng có một số ngành như ngành Công nghệ thông tin thì nhiều hội thảo quốc tế chất lượng không thua kém gì so với bài báo Scopus, WoS nhưng hiện tại không được tính vào điểm công trình khoa học.

Trường đại học tự công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư sẽ mang lại những lợi ích nhất định

Mặc dù đã có quy định chi tiết về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư như thành tích giảng dạy, nghiên cứu, thâm niên... Tuy nhiên, để được công nhận đủ tiêu chuẩn hay không thì cần phải qua 3 vòng bỏ phiếu tín nhiệm củaba hội đồng (Hội đồng Giáo sư cơ sở; Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng Giáo sư nhà nước), mỗi hồ sơ của ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở và Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Còn tại Hội đồng Giáo sư nhà nước, kết quả bỏ phiếu phải đạt trên 1/2 tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước đồng ý.

Do đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Quản Thanh Thơ đề xuất, khi đã có bộ tiêu chuẩn rõ ràng thì việc xem xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư nên để các trường đại học thực hiện. Tuy nhiên cần thí điểm trước ở các cơ sở đào tạo có uy tín. Khi đó các trường đại học sẽ có các lợi ích như sau:

Thứ nhất, khuyến khích cạnh tranh và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Khi được tự chủ, các trường sẽ nâng cao tiêu chuẩn để thu hút và giữ chân nhân tài, thay vì chỉ dựa vào quy định hành chính.

Các trường có thể tạo cơ chế đánh giá toàn diện, không chỉ dựa vào số lượng bài báo mà còn xem xét đóng góp thực tiễn, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thành tựu giảng dạy, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, đối với bổ nhiệm giáo sư, việc một ứng viên giáo sư có được một trường đại học bổ nhiệm không những chỉ dựa vào thành tích nghiên cứu (phải đáp ứng quy định của nhà nước) mà còn dựa trên đóng góp của ứng viên đối với trường. Đây là một cách tiếp cận rất phổ biến đối với các trường đại học quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập với mô hình quốc tế. Hầu hết các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc đều giao quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho từng trường đại học, dựa vào tiêu chí riêng của họ. Điều này giúp tăng tính cạnh tranh giữa các trường, tạo ra sự khác biệt trong chính sách thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nếu trao quyền tự chủ xét giáo sư, phó giáo sư cho các trường, cần có cơ chế đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Cụ thể, cần xây dựng quy trình xét duyệt rõ ràng, công khai. Mỗi trường phải có hội đồng xét duyệt độc lập, với tiêu chí đánh giá công khai và phù hợp với định hướng phát triển của trường. Đặc biệt, các thành viên của hội đồng xét duyệt phải là những người có thành tích và kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với chức danh xem xét. Đồng thời, cần có cơ chế phản biện, đánh giá chéo để tránh tiêu cực và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, cần báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý. Các trường có thể phải báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc một cơ quan giám sát về số lượng và chất lượng các giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm. Việc công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên cũng giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm.

Đồng thời cần đánh giá chất lượng dựa trên kết quả đầu ra. Các trường cần theo dõi đóng góp khoa học và đào tạo của giáo sư, phó giáo sư sau khi bổ nhiệm, để đảm bảo họ thực sự có năng lực và tiếp tục đóng góp cho học thuật. Có cơ chế rút lại chức danh hoặc không tiếp tục bổ nhiệm nếu giảng viên không đáp ứng được yêu cầu sau một thời gian có thể được xem xét.

Ngoài ra, để hạn chế rủi ro “hạ chuẩn" bởi nếu giao toàn quyền cho các trường mà không có giám sát, có thể xảy ra tình trạng một số trường nới lỏng tiêu chí để bổ nhiệm dễ dàng hơn. Vì vậy, vẫn cần bộ tiêu chí chung của Nhà nước làm khung hướng dẫn như đã nêu, còn việc đánh giá chi tiết nên do từng trường thực hiện.

Để “gỡ rối” cho quá trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trong ngành Công nghệ thông tin. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thanh Thơ cho rằng, trước hết, xây dựng cơ chế bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư linh hoạt theo tiêu chuẩn quốc tế, cho phép các trường đại học tự công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư; Công nhận các hình thức công bố khác nhau (tạp chí ISI/Scopus, hội nghị top-tier, sách chuyên khảo, bằng sáng chế, sản phẩm ứng dụng); Đánh giá dựa trên năng lực thực tế và cống hiến cho cơ sở giáo dục bên cạnh số lượng bài báo cũng như cân nhắc các yếu tố như hướng dẫn nghiên cứu sinh, hợp tác quốc tế, thành tựu giảng dạy.

Mở rộng chính sách tuyển dụng theo cơ chế cạnh tranh. Tuyển dụng theo mô hình "tenure-track" như các nước tiên tiến: Ứng viên ban đầu vào vị trí Assistant Professor (Giảng viên chính) với hợp đồng 5-7 năm. Sau khi đạt các tiêu chí nghiên cứu, giảng dạy sẽ được xét Associate Professor (phó giáo sư) và Full Professor (giáo sư).

Đồng thời, cần tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ. Mở rộng chính sách “Giáo sư, Phó giáo sư trẻ" cho các nhà khoa học dưới 40 tuổi có thành tích xuất sắc. Cho phép bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư đặc biệt cho những người có đóng góp lớn dù chưa đủ năm công tác.

Ngoài ra, có thể tham khảo chương trình Young Thousand Talents Plan của Trung Quốc để thu hút giảng viên trẻ từ các nước về làm việc.

 Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Cần Thơ

Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Cần Thơ

Đồng tình với quan điểm trên, một giảng viên Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Việc giao cho trường đại học xét, công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ nên được thực hiện khi cơ chế hậu kiểm, giải trình được hoàn thiện để tránh tình trạng công nhận chức danh một cách tràn lan nhằm tăng số lượng giáo sư, phó giáo sư của các trường mà thiếu đi tính thực chất của các danh hiệu này.

Ngoài ra, việc trao quyền công nhận, bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư cho cơ sở giáo dục đại học cũng là một vấn đề cần lưu tâm để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Để thu hút, tuyển dụng giảng viên xuất sắc gắn với bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trong và ngoài nước nên tạo điều kiện bằng cách cho phép các ứng viên từ nước ngoài thay thế một số điều kiện không phù hợp với môi trường ngoài nước như viết giáo trình, khối lượng giảng dạy,… bằng một số điều kiện khác như các dự án, các công trình khoa học..."

Còn theo một giảng viên ngành Công nghệ thông tin, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ra đời từ năm 2018 đến nay được đánh giá đã có nhiều cải tiến, đổi mới, giúp nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển nguồn nhân lực cho đất nước và hội nhập quốc tế.

Những quy định này giúp các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu đã có những chính sách mạnh mẽ để tăng các công bố quốc tế qua đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh, các đề tài, dự án, các hợp tác quốc tế và đặc biệt là tăng xếp hạng đại học, tăng chất lượng từ hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Tuy nhiên, Quyết định 37 cũng có những hạn chế khi quy trình xét công nhận thông qua 3 hội đồng khá phức tạp với nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính.

Ở các nước như Mỹ, Úc.. việc xét, công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư do các cơ sở giáo dục quyết định dựa trên nhu cầu cụ thể về phát triển đội ngũ và theo mô tả vị trí việc làm. Điều này cho phép các trường linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của họ và tăng cường sự tự chủ trong quản lý.

Vậy nên, Việt Nam cũng nên cân nhắc đến việc giao quyền công nhận, bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư cho các trường đại học để thu hút được đội ngũ chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học giỏi. Điều này sẽ tạo ra môi trường linh hoạt, sáng tạo và đáp ứng đúng nhu cầu đặc thù của từng cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, để tránh việc công nhận giáo sư, phó giáo sư diễn ra một cách ồ ạt, bão hòa, các trường đại học cần chuẩn bị đầy đủ trước khi thực hiện bao gồm: Số lượng, tiêu chuẩn và bảo đảm quy trình xét duyệt minh bạch, công bằng.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khi-csgddh-tu-cong-nhan-bo-nhiem-gs-pgs-se-mang-lai-nhung-thuan-loi-ra-sao-post250426.gd