Khi cử nhân gắn bó với vườn rẫy
Sau những năm đèn sách miệt mài, những cử nhân trẻ ở xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành mang theo mơ ước, hoài bão ra đời với niềm tin sẽ đổi thay tương lai. Thế nhưng, sau nhiều năm vất vả, cầm tấm bằng cử nhân mà không thể tìm được việc, họ buộc phải quay về quê, chọn cuộc sống gắn liền với vườn, rẫy. Dẫu ước mơ không trọn nhưng nơi ấy lại khơi dậy một hành trình mới bình dị, ý nghĩa.
Là cử nhân tốt nghiệp hệ chính quy Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý văn hóa, từng nuôi mộng làm chuyên viên với công việc ổn định. Thế nhưng, hiện anh Dương Anh Đào (36 tuổi) ở ấp 3, xã Nha Bích, phải bươn chải với rẫy vườn, công việc tay chân mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới.
Anh Đào chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp, tôi nộp hồ sơ xin một số nơi nhưng không có kết quả nên về tiếp quản công việc làm rẫy của gia đình. Làm nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, nhưng quyết tâm làm kinh tế, tôi tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả và trên mạng xã hội. Ban đầu chủ yếu đầu tư nuôi chim yến khai thác tổ, về sau tôi trồng thêm 4 ha cao su và sầu riêng. Hiện nay, thu nhập từ nông nghiệp cũng ổn định.

Anh Dương Anh Đào ở xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành phát triển kinh tế từ các mô hình sản xuất nông nghiệp
Chị Lê Ngọc Hà (33 tuổi) ở ấp 3, xã Nha Bích tốt nghiệp Đại học Vinh và Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Giáo dục mầm non, mong muốn sẽ cống hiến với nghề giáo, nhưng giờ đây, mỗi ngày chị Hà phải dậy từ sớm để chăm vườn, chăn nuôi. Chị Hà chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã tìm việc nhiều nơi nhưng không được. Sau đó, tôi về lập gia đình rồi chuyển hướng làm kinh tế, trồng hơn 1 sào rau xanh, chăn nuôi gà. Hiện kinh tế gia đình tương đối ổn định, nhưng tôi vẫn có nguyện vọng làm nghề giáo như ước mơ đầu tiên của mình, thế nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được.


Chị Lê Ngọc Hà chăm sóc vườn rau, chăn nuôi nhỏ phát triển kinh tế gia đình
Không chỉ anh Đào, chị Hà mà nhiều cử nhân trẻ khác đang học cách sống chậm, tìm hiểu kiến thức rồi cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gieo niềm tin tìm một con đường mới giữa nương rẫy quê nhà. Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nha Bích cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, có em tìm được việc làm ổn định, có em quay về quê tiếp tục kế nghiệp làm kinh tế của gia đình. Hiện nay, các em đều có cuộc sống ổn định nhưng hầu vẫn đều mong muốn được cống hiến với những ngành chuyên môn đã học.
Những cử nhân này không thiếu quyết tâm, nhưng họ bị mắc kẹt giữa kỳ vọng và thực tế nhu cầu tuyển dụng. Trước những bấp bênh đó, người trẻ dần biến khó khăn thành cơ hội. Họ không chỉ nuôi sống bản thân mà còn khẳng định rằng dù làm công việc gì, ở đâu, chỉ cần có ý chí, vẫn có thể phát triển trên chính mảnh đất quê hương.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172628/khi-cu-nhan-gan-bo-voi-vuon-ray