Khi địa phương xin trả vốn vay lại

Số liệu vừa công bố cho thấy tình trạng địa phương đề nghị điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại có xu hướng tăng cả về số địa phương và số vốn. Điều này chứng tỏ công tác chuẩn bị dự án của các địa phương vẫn là khâu yếu.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8.2023, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại. Trong đó, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại 5.565 tỷ đồng và 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại 349,3 tỷ đồng.

So với năm 2022, số địa phương đề nghị điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm nay tăng mạnh và số tiền các địa phương muốn trả lại cũng lớn hơn. Năm 2022 chỉ có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại; gồm 7 địa phương xin trả lại vốn vay với số tiền gần 1.548 tỷ đồng và 7 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại 226 tỷ đồng.

Tổng hợp từ các địa phương cho thấy có thể chia các dự án xin điều chỉnh giảm dự toán vay lại thành 4 nhóm. Nhóm 1 là các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, như chưa ký hiệp định vay, hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, sử dụng vốn dư. Nhóm 2 là các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Nhóm 3 là những dự án điều chỉnh giảm để phù hợp với kế hoạch vốn cấp phát được giao hoặc phù hợp với nhu cầu và tiến độ triển khai dự án. Nhóm 4 là một số dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn.

Trong số đó, nhóm chưa hoàn thành thủ tục đầu tư chiếm số tiền lớn nhất (47% tổng số tiền đề xuất giảm). Nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ có số tiền lớn thứ hai (23% tổng số tiền đề xuất giảm) và có số địa phương xin điều chuyển nhiều nhất.

Khách quan mà nói, giải ngân vốn vay lại có những yếu tố phức tạp hơn so với đầu tư công do còn phụ thuộc vào các hiệp định tài trợ. Tuy nhiên, việc xin trả lại vốn vay lại cho thấy công tác chuẩn bị dự án của các địa phương, chủ dự án vẫn là khâu yếu. Không làm tốt các khâu chuẩn bị dự toán như đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế… thì không thể nào giải ngân đúng tiến độ!

Việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2023 không làm tăng tổng mức vay, bội chi so với hạn mức Quốc hội giao do tổng dự toán vay lại không sử dụng hết vẫn lớn hơn số đề nghị tăng vay lại. Mặc dù vậy, chi phí lãi vay ngân sách vẫn phải gánh và hiệu quả sử dụng vốn không như mong muốn. Vì thế, các địa phương phải hạn chế tình trạng xin trả lại vốn vay lại!

Muốn vậy, như yêu cầu của Bộ Tài chính, các địa phương cần đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp; đặc biệt là các dự án đang có khó khăn, vướng mắc, các dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án nào không có khả năng giải ngân phải kiên quyết loại bỏ. Đối với các dự án có năm kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng, các địa phương cần đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch để đề xuất số vốn giao phù hợp.

Điều đặc biệt quan trọng là các địa phương cần nâng cao chất lượng khâu chuẩn bị dự án để bảo đảm các dự án khi đã được cấp phép có thể triển khai đúng kế hoạch. Khi ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn khó khăn thì từng đồng vốn quý báu phải được sử dụng hiệu quả nhất.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khi-dia-phuong-xin-tra-von-vay-lai-i352458/