Khí đốt Nga 'đại náo' Nhà Trắng, sự thật phía sau cuộc đối đầu giữa hai quan chức hàng đầu của Mỹ?
Cuộc tranh luận về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các tài sản năng lượng thuộc sở hữu của Nga, bao gồm Nord Stream đã đặt Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff vào thế đối đầu với người đứng đầu Bộ Ngoại giao và các nhà quản lý ngành năng lượng Mỹ.

Khí đốt Nga ‘đại náo’ Nhà Trắng, sự thật phía sau cuộc đối đầu giữa hai quan chức Mỹ? Trong ảnh: Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp ở Moscow. (Nguồn: Reuters)
Có thông tin rằng, Nhà Trắng đang nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa bên ủng hộ và bên phản đối về việc có nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga và khả năng là cả các tài sản khác của nước này đang bị đóng băng ở châu Âu - như một phần của các cuộc thảo luận về mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo các nguồn tin của Politico.
"Không phải một chiếc bánh đang được nướng trong lò"
Nếu việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện đang áp dụng đối với một trong những đường ống chính dẫn khí đốt của Nga kết nối các mỏ tự nhiên của nước này với Tây Âu thành hiện thực; đây sẽ là một sự đảo ngược mạnh mẽ một trong những chính sách hàng đầu của Mỹ được đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Lệnh trừng phạt này đã từng được cựu Tổng thống Joe Biden miễn trừ vào đầu nhiệm kỳ của mình, nhưng đã tái áp đặt chúng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào 2/2022.
Vấn đề hiện tại là việc khởi động lại dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 có thể mang lại khoản lợi nhuận tài chính cho Moscow, nhưng chỉ khi các khách hàng EU đồng ý chấp nhận mua khí đốt Nga thông qua đường ống này một lần nữa — một viễn cảnh có vẻ không thể xảy ra khi xét đến chiến dịch "cai nghiện" nhập khẩu năng lượng Nga của EU.
Nhưng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ tương đương với một thắng lợi ngoại giao cho Nga, đồng thời là sự nhượng bộ lớn từ Tổng thống Donald Trump.
Theo thông tin tin cậy của Politico, Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff là người đề xuất chính cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. "Ông hoàng đàm phán" của Tổng thống Trump Witkoff từng tiết lộ rằng, ông đã phát triển tình bạn với Tổng thống Nga Putin trong vai trò là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Moscow. Ông đã chỉ đạo nhóm của mình lập danh sách tất cả các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga mà Mỹ đã thẳng tay áp dụng.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung do Nhà Trắng ban hành, Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio và cả ông Witkoff lại phủ nhận việc các cuộc thảo luận về việc nới lỏng lệnh trừng phạt đã diễn ra.
“Thông tin này không chính xác. Không ai trong chúng tôi có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình cho Ukraine”, tuyên bố của hai quan chức Mỹ cho biết. Đồng thời họ chỉ trích tờ Politico đưa tin sai sự thật.
Một trong hai đường ống Nord Stream 2 được xây dựng để vận chuyển khí đốt qua biển Baltic tới Đức vẫn còn hoạt động được, bất chấp vụ nổ năm 2022 đã phá hủy một đường ống của tuyến này, cũng như cặp đường ống là một phần của tuyến đường ống đồng hành Nord Stream 1. Vụ nổ hồi tháng 9/2022 khiến việc vận chuyển khí đốt bị ngưng trệ và hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, dù một số báo cáo cho rằng vụ việc có liên quan đến công dân Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bắc Cực 2 của Nga - một dự án có thể cung cấp tới 13,2 triệu tấn khí đốt mỗi năm nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Nord Stream trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và trong quá trình vận động tranh cử. Ông cũng đã chỉ trích Tổng thống Biden vì đã miễn trừ lệnh trừng phạt đối với dự án này vào năm 2021 - trước khi Mỹ áp đặt lại chúng sau đó.
Hai quan chức chính phủ Mỹ Witkoff và Rubio đã được kỳ vọng sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã được lên lịch tại London (Anh) vào ngày 23/4, nhưng đã rút lui vào phút chót.
Theo truyền thông quốc tế, kế hoạch giải quyết xung đột của chính quyền Mỹ bao gồm việc công nhận Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt — hai vấn đề mà Ukraine tuyên bố sẽ không chấp nhận. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu có thể sẽ đề xuất lệnh cấm các quốc gia thành viên ký hợp đồng dầu khí mới với Nga.
Một nguồn tin khác cho biết, mặc dù Đặc phái viên Witkoff đã nêu ý tưởng dỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan năng lượng Nga, nhưng cho đến nay ý tưởng này vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ tại Nhà Trắng, trong khi Ngoại trưởng Rubio đã cố gắng ngăn cản. “Ý tưởng này chưa giống như một chiếc bánh đang được nướng trong lò, nhưng các nguyên liệu đang bắt đầu được chuẩn bị”, người này ví von.
Theo người am hiểu về cuộc tranh luận tại Nhà Trắng, những người phản đối ý tưởng này có Ngoại trưởng Rubio và Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum - người cũng đang giữ vai trò đứng đầu Hội đồng Chiến lược năng lượng của Nhà Trắng. Một số người trong chính phủ Mỹ cho rằng, ông Witkoff đã bị Moscow "đánh lạc hướng" về tiềm năng cơ hội kinh tế mà Mỹ có thể nhận được nếu khôi phục quan hệ kinh doanh với Nga.
Thông tin mới nhất, ngày 22/4, Nhà Trắng đã xác nhận, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff dự kiến đến Moscow vào cuối tuần này để gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Đây sẽ là cuộc gặp lần thứ 4 giữa ông Putin và Đặc phái viên Witkoff để đàm phán về triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine.
... Và đây mới là sự thật?
"Có một cuộc tranh luận nội bộ đang diễn ra căng thẳng tại Nhà Trắng giữa phe ủng hộ chính sách thống trị năng lượng — như ông Burgum, người muốn thêm thị trường rộng lớn cho LNG của Mỹ — và phe của Đặc phái viên Witkoff, người muốn gần gũi hơn nữa với Nga", một nguồn tin tiết lộ với Politico. Nguồn tin này cũng bình luận, nếu Nga giành lại vị thế là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, điều đó sẽ là “một cuộc tranh giành thị trường khốc liệt" đối với các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ.
Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ không phản hồi các câu hỏi về vấn đề trên. Bộ Nội vụ cũng không trả lời email có nội dung liên quan đến ông Doug Burgum.
Việc cho phép Nga nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt qua tuyến Nord Stream 2 hoặc dự án Arctic 2 LNG ở Bắc Cực sẽ khiến giá khí đốt toàn cầu giảm và đẩy các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ như Cheniere Energy và nhiều công ty khác rơi vào thế cạnh tranh trực tiếp với Nga, Giám đốc điều hành Công ty phân tích thị trường S&P Global Commodity Insights nhận định.
CEO Laurent Ruseckas chỉ rõ: “Nếu khí đốt của Nga quay trở lại thị trường, điều đó sẽ làm giảm nhu cầu của các khách hàng tiềm năng đối với LNG của Mỹ”.
Ngành khí đốt tự nhiên Mỹ từng đạt được những bước tiến lớn tại thị trường châu Âu, khi Đức và nhiều quốc gia khác quay lưng với khí đốt Nga sau chiến dịch quân sự mà Moscow phát động tại Ukraine (2/2022). Tuy nhiên, các công ty dầu khí hiện đang lao đao vì "cuộc chiến thương mại" do chính quyền của Tổng thống Trump phát động, cùng với các mức thuế cao áp lên thép nhập khẩu. Chính sách thương mại không rõ ràng của Nhà Trắng hiện khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp kế hoạch đầu tư.
Một số nguồn tin của Politico tiết lộ, hiện có nhiều bên đang vận động hành lang để chính quyền Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Một trong số đó là ông Stephen Lynch – lãnh đạo công ty đầu tư tư nhân toàn cầu Monte Valley Partners, có trụ sở tại Miami.
Ông Lynch được biết đến với chiến lược thâu tóm các tài sản hạ tầng năng lượng từng thuộc sở hữu của Nga. Năm 2007, ông và các đối tác đã mua lại một phần công ty dầu khí Yukos của Moscow với giá hời. Gần đây, ông cũng mua lại chi nhánh tại Thụy Sỹ của Tập đoàn tài chính Nga SberBank. Hiện ông Lynch đang nộp đơn xin cấp phép từ Bộ Tài chính Mỹ như một phần trong nỗ lực mua lại đường ống dẫn khí đốt.
Một đại diện của Monte Valley từ chối trả lời các câu hỏi.
Matthias Warnig – một cựu điệp viên và là bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang bị Mỹ trừng phạt – cũng đang nỗ lực khởi động lại dự án đường ống với sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư Mỹ. Ông Warnig đã tiếp cận nhóm của ông Trump thông qua các đại diện doanh nghiệp Mỹ và nỗ lực của ông được cho là không liên quan đến liên danh của ông Lynch.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden năm ngoái đã không mấy mặn mà với đề xuất mua lại đường ống dẫn khí của nhà đầu tư Lynch.