Khi du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Mỗi buổi sáng, không khí tại văn phòng của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) lại rộn rã tiếng nói cười. Những người đàn ông với làn da mặn mòi nắng gió vội vã sửa soạn hành lý chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Đã rất nhiều chuyến ngược rừng nhưng với những người vốn một thời làm nghề sơn tràng như họ, chuyến đi lần này mang một tâm thế khác.

Họ là những đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác (porter) phục vụ khách du lịch các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn do Oxalis khai thác. Nhiều năm trước, những người đàn ông này từng là lâm tặc, coi việc khai thác rừng là nguồn sống, là kế sinh nhai.

Vùng quê “rốn lũ” Tân Hóa nghèo xác xơ, chẳng biết làm gì để mưu sinh, họ chấp nhận cuộc sống giữa thâm sâu đại ngàn ròng rã hàng tháng trời. Ngày ấy, đồng tiền kiếm được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cũng có lúc bằng chính cả sinh mạng. Sau những ngày lăn lộn giữa rừng già, nhiều người trong số họ hiểu rằng, đánh đổi sức khỏe, thời gian và cả tuổi trẻ cho những chuyến đi hiểm nguy và khó nhọc là điều không đáng.

Porter trên đường vào hang Tiên. Ảnh: Oxalis Adventure

Porter trên đường vào hang Tiên. Ảnh: Oxalis Adventure

Thời điểm ấy, miền quê Tân Hóa bắt đầu rục rịch làm du lịch và đó cũng là khởi đầu những “con đường sáng” cho nhiều lâm tặc nơi này. Họ cắt rừng, về xuôi, rồi tham gia vào những lớp tập huấn do Oxalis tổ chức với quyết tâm làm lại cuộc đời.

“Sau nhiều năm ở rừng, chúng tôi nhận ra cuộc sống khi phải sống chui, sống lủi vất vả quá. Vậy là nghe thông tin Oxalis tuyển dụng, anh em chúng tôi quyết định ứng tuyển, rồi làm porter cho các tour Tú Làn cho đến tận bây giờ. Mới đó mà thấm thoắt cũng gần 10 năm...”, anh Thái Xuân Bằng, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa chân tình chia sẻ.

Cụ Trương Xuân Đô ở thôn 4 Yên Thọ, xã Tân Hóa có hàng chục năm miệt mài giữ rừng lim quý mà không đòi hỏi một chút quyền lợi. Ông tự đặt lên vai mình trách nhiệm với quê hương, cần mẫn gìn giữ di sản cho thế hệ con cháu hậu sinh. Cũng như bao người đàn ông khác ở xứ này, con trai cụ-anh Trương Quang Lương đã có những năm tháng ngược vào rừng khai thác gỗ. Cuộc mưu sinh trông cậy cả vào rừng đã có lúc khiến anh “chùn chân, mỏi gối”.

Hơn 100 lao động là con em địa phương đang tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis. Ảnh: Oxalis Adventure

Hơn 100 lao động là con em địa phương đang tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis. Ảnh: Oxalis Adventure

Anh bảo, cứ nghĩ đi rừng để kiếm ít gỗ dựng cái nhà cho kiên cố nhưng nhiều khi ngồi nghĩ: Vì sao cha mình thì dành cả một đời để giữ rừng lim quý, còn bản thân lại đi phá rừng? “Tôi đã trăn trở nhiều với câu hỏi đó. Vậy là quyết bỏ nghề, kiếm kế sinh nhai bằng nhiều nghề khác thay vì ngược vào rừng. Khi Oxalis mở tour khám phá rừng lim bằng xe ATV, tôi có thêm nguồn thu nhập từ cho thuê đất, rửa xe cho khách. Vậy là không còn phải lo lắng nữa”, anh Lương chia sẻ thêm.

Sinh ra nơi núi rừng cùng những năm tháng lăn lộn với đại ngàn, hơn ai hết, những người đàn ông xứ này hiểu thấu từng ngọn núi, cánh rừng và từng hang đá. Bằng vốn hiểu biết gom góp được từ những chuyến ngược rừng mưu sinh, nay, họ lại trở thành những người dẫn đường tận tụy và hiểu biết.

Trong số hơn 100 lao động là con em địa phương đang tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis, phần đông đều từng làm nghề khai thác rừng trái phép. Giờ đây, khi trở thành những đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và porter phục vụ khách du lịch, họ lại vận dụng vốn hiểu biết bản địa phục vụ du khách. Những người đàn ông quanh năm chỉ biết đến làm nông, chăn nuôi và khai thác rừng nay lại mạnh dạn tham gia vào các lớp đào tạo, tập huấn để trở thành nhân sự chủ lực trong các tour khám phá Tú Làn.

Bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng là yếu tố tiên quyết trong nguyên tắc hoạt động của Oxalis. Ảnh: Oxalis Adventure

Bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng là yếu tố tiên quyết trong nguyên tắc hoạt động của Oxalis. Ảnh: Oxalis Adventure

Giờ, họ có thể bước chân ra khỏi rừng với lòng nhẹ tênh và tự tin ngẩng cao đầu. Bởi, xưa là lâm tặc, nay, mỗi người là một người giữ rừng thầm lặng và bền bỉ. Những người đàn ông ấy nâng niu từng thân cây, ngọn cỏ, cần mẫn nhặt những cọng rác vương lại trên mỗi lối đi. Và cũng chính họ là người nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan trên các cung đường khám phá. Trong mỗi chuyến ngược rừng, nhìn thấy sự thích thú trong ánh mắt những người lữ khách, họ bắt đầu yêu rừng như yêu chính sinh mạng mình.

Họ hiểu rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ chính nguồn sống của mình, là chắt chiu từng kế sinh nhai. “Chúng tôi hiểu là nếu biết giữ rừng và những tài nguyên thiên nhiên khác thì cũng chính là đang bảo vệ công việc của mình. Du khách đến đây vì cảnh đẹp, nếu họ không đến thì lấy công việc đâu cho anh em chúng tôi làm, lấy đâu thu nhập để cải thiện cuộc sống...”, anh Trương Minh Nam ở Tân Hóa, porter của tour Tú Làn chân tình chia sẻ.

Vẻ đẹp Tân Hóa. Ảnh: Oxalis Adventure

Vẻ đẹp Tân Hóa. Ảnh: Oxalis Adventure

Theo ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, là địa phương được bao quanh bởi núi đá, lại có diện tích đất rừng hơn 5.000ha nên người dân Tân Hóa hiểu rừng có giá trị đặc biệt quan trọng. Nhất là khi các hoạt động du lịch đang diễn ra tại địa phương chủ yếu được khai thác từ chính tài nguyên rừng và hang động. Bảo vệ rừng càng trở nên có giá trị với một vùng đất quanh năm thiên tai như vùng “rốn lũ” Tân Hóa. Vì vậy, người dân bắt đầu có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Nơi đây, đã hiếm dần những chuyến ngược rừng để bẫy thú, khai thác gỗ dựng nhà. “Đa số anh em porter trước kia đều làm nghề khai thác rừng, giờ, họ tham gia vào các hoạt động du lịch nên họ có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng nỗ lực tuyên truyền người dân không vào rừng khai thác thạch nhũ trong các hang động nhằm giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên được kết tinh từ hàng triệu năm mới có được”, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết thêm.

Tạo việc làm, sinh kế ổn định cho người dân để họ không phải khai thác rừng trái phép, trích một phần lợi nhuận trong phát triển du lịch để đóng phí bảo vệ môi trường rừng… là những nỗ lực để bảo vệ môi trường bền vững, hiệu quả nhất. Cũng như tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, khi khai thác các sản phẩm du lịch mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn tại huyện Minh Hóa, Oxalis Adventure luôn chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường rừng.

Các tour trải nghiệm đều hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường.

Các tour trải nghiệm đều hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường.

Ảnh: Oxalis Adventure

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc công ty cho biết, bên cạnh giá trị cốt lõi là an toàn trong khai thác du lịch mạo hiểm thì yếu tố bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố tiên quyết trong nguyên tắc hoạt động của Oxalis. Ngoài việc sử dụng một lối mòn, khu cắm trại nhất định trong hang, các thiết bị, vật dụng được sử dụng trong tour cũng đều được cân nhắc để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường.

Các tour của Oxalis luôn được thiết kế theo từng nhóm nhỏ, có thời gian nghỉ để không gây ảnh hưởng và bảo đảm tính cân bằng của hệ sinh thái. Các chất thải từ việc chế biến đồ ăn và rác thải đều được mang ra khỏi rừng cùng với tour và xử lý đúng nơi quy định. Mỗi hành động của từng thành viên trong các tour trải nghiệm đều đang từng ngày góp phần phát huy giá trị tài nguyên gắn với việc giữ gìn môi trường tự nhiên.

Khám phá hang Tiên. Ảnh: Oxalis Adventure

Khám phá hang Tiên. Ảnh: Oxalis Adventure

Hơn 10 năm phát triển, tiên phong tổ chức các tour du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên, Oxalis hiểu rằng việc phát triển du lịch dựa vào việc khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên nếu không được khai thác một cách hợp lý sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển lâu dài. Bảo vệ môi trường cũng chính là yếu tố góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa-những đối tác quan trọng trong hành trình phát triển của Oxalis.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202303/khi-du-lich-gan-voi-bao-ve-moi-truong-2207761/